.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

HỎI ĐÔNG






LẬP HỒ SƠ TỴ NẠN



Nắng vàng tươi trên các lối, tôi và Duyên len trong đám đông đi về phía hội trường. Mới hơn tám giờ sáng sao mà người đông quá sức phải chen mà đi. Tâm Bi được mẹ bồng đưa cánh tay mũm mĩm, chỉ chỏ hết chỗ nầy đến chỗ kia, miệng bi bô coi điệu mừng rỡ. Thằng nhỏ ngày nào cũng được mấy chú, mấy cô bồng bế đi chơi nên khoái lắm. Sáng nay Bi cũng được đi chơi, lại được bận đồ đẹp đẽ hơn ngày thường nghĩa là có bận đủ quần và áo. Mọi khi Bi chỉ có quần mà không có áo hoặc ngược lại, có áo mà không có quần. Quần cứ bị uớt hoài, giặt phơi không kịp khô! Bộ đồ sọc xanh có quai tréo được Duyên lấy trong xách tay ra, còn nguyên nếp xếp hăng hăng mùi vải mới, bận vô coi Bi đẹp trai hơn ngày thường. Duyên cũng mặc một cái áo mới màu trắng đơn giản. Tôi đi trước dẫn đường, mồ hôi rịn ra trên lưng. Cả tuần rồi ở trần trùi trụi nên quen da, bữa nay mặc lại áo tuy chọn cái ngắn tay, vẫn cảm thấy vướng víu nực nội.
Từng cơn gió ngoài khơi thổi đong đưa các tàu dừa xanh mướt loang loáng nắng vàng nhưng không đủ mát cho người ngoài đường. Những mái lều xanh màu ngọc thạch, căng lưng hứng hết hơi nóng nhiệt đới từ trên cao đổ ập xuống. Trên các đường nhỏ ngột ngạt, hàng ngàn người di chuyển tới lui rộn ràng như đàn kiến kéo nhau đi tìm mồi. Một đám kiến đông nghẹt đang đứng sắp hàng trước hội trường, tất cả tôi đều quen biết, đàn kiến của ghe BL 1648 hôm nay tụ tập lại đây để lập hồ sơ ghi danh chánh thức là dân tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Anh Tư mặc áo trắng bong tay dài, có gài nút vàng hực hỡ, giày da đen đánh bóng soi gương được. Chị Tư và Mỹ Thanh vòng vàng, hột xoàn lấp lánh.. như đi dạ tiệc. Tôi chào từng người và hỏi:
-Anh Tư tới lâu chưa, sao chưa thấy anh chị Thuần với vợ chồng Quách Linh Hoạt?
Anh Tư Trần Hưng Đạo nhờ ăn mặc kỹ lưỡng nên coi trẻ hơn lúc trước, nói cười tươi rói:
-Mấy ông bà đó mua nhà tuốt trên khu E, từ trên sườn núi mà đi tới đây chắc cũng phải cả giờ…
Tôi thoáng thấy cái mề đay vàng đeo lủng lẳng bên trong áo. Ông bà nầy hay thiệt, hồi ở đảo Dừa, tụi Mã Lai xét rất kỹ đồ đạc, hành lý, vậy mà vẫn còn dấu được y nguyên, không mất mát món nào. Dân buôn bán thường thì khá giả hơn giới công chức quân nhơn. Anh Thuần và Quách Linh Hoạt ít tiền hơn, đành phải leo tuốt lên núi che lều. Muốn đi tới khu E phải từ hội trường nầy, vượt qua không biết bao nhiêu lều trại, đồi dốc dựng ngược mới tới được. Mỗi lần lên trên đó thăm bạn là tay chưn tôi rã rời, thở hết muốn nổi. Miệt đó khoảng lưng chừng núi, phía sau là rừng cây, bất tiện đủ mọi điều, duy có việc kiếm củi là tiện nhứt, không phải đi xa.
Chị Tư đứng kế bên phân trần:
-Hai vợ chồng tôi con cái đông quá, đứa nào đứa nấy còn nhỏ xíu thành ra phải rán sức mua cái lều ở khu A nầy, chớ thiệt ra cũng không dư dả gì nhiều…
Anh Tư chen vô:
-Phải chi hồi bữa mới tới, ghe mình được mở hồ sơ Cao Ủy ngay, thì có thể vô gặp phái đoàn Canada tới kỳ rồi Thiệt xui hết sức, nó nhận trên năm trăm người mà không cần điều kiện gì hết…
Tôi góp chuyện:
-Ừ, ừ, ở đây ai cũng muốn đi Mỹ, chớ không thèm Canada, một phần Canada yếu quá, hai là lạnh quá. Người ta chê… thì mình xin chắc được!
Tiến và Chiêu sau một hồi đi vòng vo trở về. Tiến hỏi:
-Bữa nay mình khai lý lịch cho Cao Ủy Tỵ Nạn mà trong tay không có một giấy tờ nào lận lưng, rồi làm sao chứng minh, ai tin?
Anh Tư khoát tay:
-Đừng lo, bồ ơi, chuyện gì tôi không biết, chớ chuyện đó thì rành sáu câu. Nhà tôi ở sát vách hội trường, nghe thiên hạ kể lại đầy lỗ tai. Ai muốn khai gì cứ khai, tha hồ. Trung sĩ lên thành Trung úy, y tá lên bác sĩ, thợ máy khai kỹ sư, học lớp mười khai tốt nghiệp Đại học, có vợ năm con cứ khai còn độc thân… rồi nhiều khi đổi luôn cả tên tuổi! Cứ nói giấy tờ rớt hết xuống biển là xong, dễ ợt! Tụi phái đoàn phỏng vấn cũng không thèm kiểm chứng, chỉ trừ có Mỹ là hơi rắc rối với cựu quân nhân, công chức vì hồ sơ lý lịch còn lưu trữ đầy đủ, còn các nước khác thì đâu cần biết tới làm chi cho mất công.
Tiến suy nghĩ một hồi rồi lẩm bẩm:
-Đâu có được, nếu mà khai bậy bạ lung tung như vậy thì giấy tờ bằng cấp kể như bỏ hết!
Anh Tư cười ha hả:
-Tại bồ có bằng cấp cao thì sợ là phải, nếu khai trật là kể như phải học lại từ đầu, còn như tụi tôi trụi lũi, dầu có khai gì đi nữa thì cũng đâu có làm gì được…
Chiêu nãy giờ đứng im nghe đối đáp, bây giờ mới thủng thẳng nói:
-Cũng được chớ anh Tư, trường hợp của anh thì không cần khai học tới kỹ sư, bác sĩ gì, chỉ cần bớt chút đỉnh…
Anh Tư nôn nóng:
-Bớt cái gì chút đỉnh?
Chiêu ngó chị Tư rồi cười:
-Thì anh bớt lại chừng mười tuổi, còn tình trạng gia đình thì đề là độc thân…
Chị Tư Trần Hưng Đạo háy chồng một cái dài hàng cây số :
-Xí, chú Chiêu tưởng anh Tư ngon lắm hả. Phải chi có cô nào chịu, rước phức ổng đi cho tui nhờ, già cúp bình thiếc rồi, dầu có khai thấp khai cao gì, cũng đâu có gạt ai được…
Tôi muốn chọc chị Tư cho vui, bèn nói:
-Cũng chưa biết đâu à nghen, cái gì cũng phải làm thử mới biết thiệt hư. Tôi nhớ hồi còn ở đảo Dừa có cô gì đẹp đẹp đó, cứ theo nói chuyện với anh Tư hoài…, làm tôi ghen hết sức!
Chị Tư nắm lấy tay Duyên:
-Nè, cô Duyên, nghe mấy ổng nói chuyện đã thèm chưa. Ông nào cũng như ông nấy, quá trời!
Duyên cười:
-Hơi đâu mà chị nghe, người nào mà ưa nói được người nầy yêu, được người kia thương, là người đó không có ai yêu thương hết. Họ phải nói như vậy để che dấu khuyết điểm… Còn ông nào lầm lầm, lỳ lỳ, không nói gì hết thì mình phải sợ, phải đề phòng…
Hàng người di chuyển dần dần tới trước, nhờ nói chuyện tầm phào mà tôi tiến sát tới nơi khai báo hồi nào không hay. Đó là ba cái bàn bằng gỗ tạp được kê sát vô vách trái của phòng hội. Trên bàn có để các mẫu giấy để người tỵ nạn tự ý điền vào. Tôi đến trước thuận tay lấy hai tấm, một cho tôi và một cho Duyên, xong rồi cả hai ngồi xuống điền các chi tiết được hỏi. Tôi liếc nhanh qua những hàng chữ và ngạc nhiên nói với vợ:
-Em coi nè, tờ khai lý lịch của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc sao mà đơn giản quá vậy?.
Duyên cũng đã đọc qua nói:
-Ờ, ít quá, chỉ có hỏi tên tuổi, ngày và nơi sanh, nghề nghiệp, ngày đến đảo… Rồi kêu chọn theo thứ tự ba nước muốn đi định cư…
Nghe nàng nói tôi nhớ lại những ngày đầu tháng 5 năm 1975 tôi và Duyên phải đến trình diện ở Tòa Án Bình Dương để làm tờ khai lý lịch với Ủy Ban Quân Quản của Tỉnh. Ở đó tôi gặp lại hầu hết các giáo sư bạn bè, những công chức của các ty sở. Người nào người nấy câm nín, lặng thinh, ngồi đứng rón rén sợ sệt, đầy vẻ nhẫn nhục, chịu đựng của người bại trận. Tôi ngồi trên cái băng cây, cầm xấp giấy được phát, vừa đọc vừa rùng mình. Dễ sợ thiệt. Những câu hỏi dầy đặc bao quanh cuộc đời từ ông cố, ông nội, đời cha rồi tới đời con, đời cháu. Bên nội, bên ngoại,.. hàng xóm, gần xa.. Rồi tới chuyện tốt chuyện xấu, thương ai ghét ai, có cần tố cáo gì với nhân dân, đảng và nhà nước sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ. Mẫu khai lý lịch đơn giản đó, sơ sơ gần mười trang, tuy là những tờ giấy mỏng tanh nhưng nó có sức nặng như đá tảng. Tôi đã viết miên man như người lên đồng, đầu óc nóng bừng bừng. Cũng may tôi chỉ là một thầy giáo ở tỉnh lẻ tầm thường… Tôi không thể tưởng tượng một vị chính khách, một bộ trưởng hay một tướng lãnh mà cuộc đời các vị đó là một chuỗi dài biến cố thì bảng lý lịch phải tới bao nhiêu trang? Một trăm, hai trăm, một ngàn, hai ngàn... hay nhiều hơn nữa?  Nghe bao nhiêu lời truyền tụng, đọc bao nhiêu sách vở, cũng không bằng thực sự sống trong lòng chế độ một ngày. Chỉ một ngày thôi cũng đủ biết đá biết vàng, nói chi đến năm mười năm hay dài lâu hơn nữa…
Duyên day qua hỏi tôi:
-Mình chọn Canada ưu tiên một, Úc ưu tiên hai phải không anh?
-Em suy nghĩ kỹ lại coi, nếu muốn chọn Hoa Kỳ, vợ chồng mình cũng có đủ điều kiện .. nhưng phải chờ lâu lắm đó. Có người chờ năm, bảy tháng, một năm mà cũng chưa nhúc nhích! Úc thì cũng đi lẹ nhưng gần khu vực Đông Nam Á quá, biết đâu một ngày nào đó tụi nó len lỏi tới, mình phải chèo ghe đi trốn một lần nữa… Theo anh nên chọn Canada cho gọn, dễ đi, chớ tình trạng ở đảo như vầy, kéo dài tháng nầy qua tháng kia, rủi ro bịnh họan thì làm sao!
Út Trung xách tờ khai lại gần tôi nói:
-Em chọn Huê Kỳ ưu tiên một, Canada kế. Bên Huê Kỳ, khoa học kỹ thuật cao, mình có thể theo học được, nó lại giàu mạnh nhứt thế giới. Anh chị đổi lại đi, qua Mỹ với em cho vui.
Sơn chọn Mỹ và Tây Đức. Còn Dân gì đó thì cầm giấy, đứng ngó hết người nầy tới người kia, cuối cùng nó chạy lại tôi, miệng nói tía lia:
-Anh chị tính lựa đi định cư xứ nào? Sao người ta tốt quá, cho mình đi mấy xứ văn minh như bên Tây bên Mỹ gi đó, em thấy chỗ nào cũng được hết. Để em hỏi thử coi, em chọn ba nước mà nuớc nào cũng ưu tiên một hết, có được gì đó không?
Tôi trả lời dùm cho nó:
-Đâu có được Dân, nếu em chọn ba nước cùng ưu tiên một, làm sao người ta cứu xét. Thôi, hay là em chọn Canada để đi với anh chị đi.
Thằng nhỏ không đắn đo gì hết, chìa tờ giấy ra, miệng cười cười:
-Thôi, sẵn viết gì đó, nhờ anh ghi vô dùm. Anh muốn ghi gì đó thì cứ ghi, em đâu có biết nước nào ở đâu, miễn làm sao đi cho lẹ lẹ gì đó là được.
Tôi vừa ghi cho nó, vừa nói:
-Canada thì lạnh lắm đó nghen, chỗ nào cũng đóng nước đá hết. Mai mốt bị lạnh teo ruột teo gan thì đừng có bắt đền nghe không!
Dân gì đó cười hì hì:
-Anh nói vậy chớ, đâu có chỗ nào lạnh dữ quá gì đó. Chắc bên đó cũng y như trên Đà Lạt, anh chị chịu được thì em cũng chịu được gì đó, em hổng lo…
Tôi cầm tờ giấy đã khai đến nộp cho một nhân viên ngối sau bàn giấy. Anh kiểm sóat lại coi có điền đầy đủ các chi tiết và chữ ký đúng thủ tục hay không. Công việc giải quyết nhanh chóng. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, gần trên năm trăm người của đảo Kapas đưa qua, đã làm thủ tục ghi tên tỵ nạn với Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ở đảo Bidong một cách thật gọn gàng. Quang cảnh đã thưa bớt. Khai xong mọi người tản mát ra về.
Tư Trần Hưng Đạo rủ tôi ghé nhà anh chơi. Thuận đường về tôi rủ Duyên ghé vào cho biết thế nào là một căn lều sang trọng ở khu A. Căn lều khá lớn, y như một cái nhà tranh nhỏ ở thôn quê, nhìn qua bên kia đường là phòng thông tin của đảo. Bước vào trong, không khí mát hẳn, chắc là nhờ trần cao và rộng, bên trên lại có những tàn dừa che rợp, ngăn bớt được sức nóng mặt trời. Tôi vọt miệng khen:
-Trời, biệt thự của hai ông bà sang quá. Ở đây mà làm sao có được bộ ván phẳng phiu như vậy... rồi phía trước còn rộng rinh, phía sau làm bếp. Đã thiệt!
Anh Tư đã cởi áo ngoài, chỉ cho tôi cái giếng nước được đào sát bên vách:
-Bồ coi nè, có cái giếng trong nhà, cũng tiện lắm. Khỏi phải đi xa, giành giựt chờ đợi.
Tôi thấy một cái giếng hình vuông vức chừng một thước, nước đen tối hù bên dưới không biết sạch hay dơ. Những nhà rộng, người ta thường đào giếng ngay bên trong để có nước mà dùng. Đằng nhà anh Liêu Thạnh cũng có, khi nào giếng của đảo cạn nước, tôi thường xách thùng lại ảnh mà xin. Cả đảo chừng cũng có trên vài trăm cái, kiểu nầy. Mùa khô cạn nước, người ta đào xới tứ tung. Chị Tư vừa rót nước mời khách, vừa nói:
-Nhà rộng vậy chớ phải chia ba đó. Phần của tụi tôi chỉ có bộ ván nầy. Phía trước và phía sau của chủ khác. Vậy mà phải mua tới năm trăm đồng.
Lều ở Bidong lúc đó có giá lắm. Người đông, đảo lại hẹp nên giá cả tăng vọt. Trung bình một căn nhà nhỏ ngang ba thước, dài bốn thước, bán độ ba trăm đồng Mã Lai. Vàng một chỉ giá sáu mươi đồng. Như vậy tương đương với năm chỉ vàng. Anh Tư nói:
-Thấy thì rộng vậy, chớ đám hát của tụi tôi đông quá, có lẽ phải kiếm mua thêm một cái nữa để chia bớt ra, đêm nào ngủ cũng có đứa bị đạp lọt xuống đất. Ở đây được cái tiện là ở sát hội trường, trung tâm của đảo. Tin tức định cư gì tôi cũng biết hết. Suốt ngày nghe tin phái đoàn đến, tin phái đoàn đi, tin ghe vượt biên, tin các người thân thuộc đến đảo, tin hầm bà lằng… hai ông bà cần biết chuyện gì cứ hỏi, tôi nói cho nghe.
Rồi anh tiếp:
-Ngon lành nhứt ghe mình là Hủ Tiếu. Thằng chả đem được vàng nhiều quá, của tụi mình đóng chớ của ai, mua cái nhà lớn mấy ngàn đồng, bên kia đường đối diện với trạm Cảnh Sát. Nhà chia làm nhiều phòng, nhiều giuờng vì bộ hạ của chả khá đông. Gia đình Hủ Tiếu đi tòan bộ từ bà mẹ già tới mấy đứa cháu nội, cháu ngoại còn ẳm trên tay. Người Tàu họ làm ăn giàu hơn người mình. Vừa tới được một hai ngày gì đó, mua nhà xong bèn lên đồi trực thăng ở khu F móc đất sét đắp thành lò bánh mì. Bột mì ở đây rẻ và bột nổi rất tốt. Ông ta bán một đồng bốn ổ bánh nhỏ. Bánh nóng xốp, thơm ngon và rất dòn. Cây củi thì chặt ở trên núi, thiếu gì…
Tôi cười và nói:
-Vậy Hủ Tiếu lúc nào cũng là người cung cấp dịch vụ, còn tụi mình là người tiêu thụ… Nói rõ hơn theo nghĩa đen, Hủ Tiếu lúc nào cũng có tiền, còn tụi mình lúc nào cũng hết tiền.
Duyên níu lấy tay tôi:
-Thôi, thôi, ông ơi, trưa nóng quá rồi, mình về để anh chị Tư còn lo cơm nước, chuyện Hủ Tíu để thủng thẳng nói tiếp, mình còn ở Bidong nầy lâu lắm mà…
-Ừa, về thì về nhưng để rủ anh Tư chiều nay đi tắm cho vui…
Anh Tư vừa uống nước vừa nói:
-Khi nào bồ đi ngang hú tôi một tiếng là xong ngay, rủ thêm ‘già’ Sơn với Dân ‘gi đó’ cho đủ bộ..
Giờ nầy cả đảo như bị nung chín, vừa bước ra khỏi cửa hẹp hơi nóng hâm hấp táp vào mặt, tôi vội mở vài nút áo cho thoáng. Con đường về nhà sao mà quá dài, đi hoài cũng chưa tới, chiếc dép lại sứt quai, khiến bước chưn khập khiểng. Những chiếc lều nép sát vào nhau núp nắng, đưa cái nóc xanh ra hứng hết cơn nóng buổi trưa. Mồ hôi đã tươm ra đầy mặt đầy lưng, tôi cởi luôn cái áo vắt vai, mong chờ một cơn gió mát từ khơi xa xăm thổi tới…
Bidong sao mà nóng bức quá, những đọt dừa vàng ẻo, những da người đen thui.


VÕ KỲ ĐIỀN. Pulau Bidong Miền Đất Lạ, chương 25

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ.






Xin Cám Ơn Cuộc Ðời – Hoàng Thanh November 21, 2017



Thế là một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại đến. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nói về Lễ Tạ Ơn, tôi thầm nghĩ, “Dân ngoại quốc sao mà… “quởn” quá, cứ bày đặt lễ này lễ nọ, màu mè, chắc cũng chỉ để có dịp bán thiệp, bán hàng để nguời ta mua tặng nhau thôi, cũng là một cách làm business đó mà…”<!>
Năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả, tôi chỉ vui vì ngày hôm đó đuợc nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình. Mãi ba năm sau thì tôi mới thật sự hiểu đuợc ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.
Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Duợc Sĩ. Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi nguời làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục, nên ai nấy cũng đều căng thẳng, mệt mỏi, dễ đâm ra quạu quọ, và hầu như không ai có nổi một nụ cuời trên môi.
Tiệm thuốc có một bà khách quen, tên bà là Josephine Smiley. Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà. Năm đó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà lại đang điều trị ung thư ở giai doạn cuối..
Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn muời mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại. Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thuờng ráng cuời vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà. Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi, còn bà tuy thoát chết nhung lại bị tật nguyền, rồi từ dó bà bị bệnh trầm cảm (depressed), không đi làm được nữa, và từ 5 năm nay thì lại phát hiện ung thư.. Mấy nguời làm chung trong tiệm cho biết là bà hiện sống một mình ở nhà duỡng lão.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm truớc ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc. Bỗng dưng bà cuời với tôi và đưa tặng tôi một tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt bà mua cho tôi. Tôi cám ơn thì bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc liền đi.
Tôi mở tấm thiệp và xúc động nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:
Dear Thanh,
My name is Josephine Smiley, but life does not “smile” to me at all. Many times I wanted to kill myself, until the day I met you in this pharmacy. You are the ONLY person who always smiles to me, after the death of my husband and my son. You made me feel happy and help me keep on living. I profit this Thanksgiving holiday to say “Thank you”, Thanh.
Thank you, very much, for your smile…
(Thanh thân mến,
Tên tôi là Josephine Smiley, nhưng cuộc sống Không có “nụ cười” với tôi cả. Nhiều lần tôi muốn tự tử, cho đến ngày tôi vào tiệm thuốc tây này.
Cô là người luôn luôn mỉm cười với tôi, sau cái chết của chồng tôi và con trai tôi.
Cô làm tôi cảm thấy hạnh phúc và giúp tôi tiếp tục sống. Nhân dịp ngày Lễ Tạ Ơn để nói lời “Cảm ơn”, Thanh.
Cảm ơn cô, rất nhiều, vì nụ cười của cô …)
Rồi bà ôm tôi và bà chảy nuớc mắt. Tôi cũng vậy, tôi đứng mà nghe mắt mình uớt, nghe cổ họng mình nghẹn… Tôi thật hoàn toàn không ngờ được rằng, chỉ với một nụ cuời, mà tôi đã có thể giúp cho một con nguời có thêm nghị lực để sống còn.
Ðó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được cái ý nghĩa cao quý của ngày lễ Thanksgiving.
Ngày Lễ Tạ ơn năm sau, tôi cũng có ý ngóng trông bà đến lấy thuốc truớc khi đóng cửa tiệm. Thì bỗng dưng một cô gái trẻ dến tìm gặp tôi. Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm truớc. Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô đến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Thanksgiving. Và cô ta đã có hứa là sẽ làm tròn uớc nguyện sau cùng của bà. Tôi bật khóc, và nuớc mắt ràn rụa của tôi đã làm nhòe hẳn đi những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn nghèo trên trang giấy:
My dear Thanh,
I am thinking of you until the last minute of my life.
I miss you, and I miss your smile…
I love you, my “daughter”.. .
( Thanh thân yêu,
Tôi đang nghĩ đến cô Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời tôi.
Tôi nhớ đến cô, và tôi nhớ nụ cười của cô …
Tôi yêu cô , “con gái” của tôi.. .)
Tôi còn nhớ tôi đã khóc sưng cả mắt ngày hôm đó, không sao tiếp tục làm việc nổi, và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, nguời “Mẹ American” đã gọi tôi bằng tiếng “my daughter”…
Truớc mùa Lễ Tạ Ơn năm sau đó, tôi xin chuyển qua làm ở một pharmacy khác, bởi vì tôi biết, trái tim tôi quá yếu đuối, tôi sẽ không chịu nổi niềm nhớ thương quá lớn, dành cho bà, vào mỗi ngày lễ đặc biệt này, nếu tôi vẫn tiếp tục làm ở pharmacy đó..
Mãi cho dến giờ, tôi vẫn còn giữ hai tấm thiệp ngày nào của nguời bệnh nhân này. Và cũng từ đó, không hiểu sao, tôi yêu lắm ngày Lễ Thanksgiving, có lẽ bởi vì tôi đã “cảm” được ý nghĩa thật sự của ngày lễ đặc biệt này.
Thông thuờng thì ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt. Mọi nguời đều mua một tấm thiệp, hay một món quà nào đó, đem tặng cho nguời mình thích, mình thương, hay mình từng chịu ơn. Theo phong tục bao đời nay, thì trong buổi họp mặt gia đình vào dịp lễ này, món ăn chính luôn là món gà tây (tuckey).
Từ mấy tuần truớc ngày Lễ TẠ ƠN, hầu như chợ nào cũng bày bán đầy những con gà tây, gà ta, còn sống có, thịt làm sẵn cũng có… Cứ mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, có cả trăm triệu con gà bị giết chết, làm thịt cho mọi nguời ăn nhậu.
Nguời Việt mình thì hay chê thịt gà tây ăn lạt lẽo, nên thuờng làm món gà ta, “gà đi bộ.” Ngày xưa tôi cũng hay ăn gà vào dịp lễ này với gia đình, nhưng từ ngày biết Ðạo, tôi không còn ăn thịt gà nữa. Từ vài tuần truớc ngày lễ, hễ tôi làm được việc gì tốt, dù rất nhỏ, là tôi lại hồi huớng công đức cho tất cả những con gà, tây hay ta, cùng tất cả những con vật nào đã, đang và sẽ bị giết trong dịp lễ này, cầu mong cho chúng thoát khỏi kiếp súc sanh và được đầu thai vào một kiếp sống mới, tốt đẹp và an lành hơn.
Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi năm dến Lễ Tạ Ơn, tôi đều ráng sắp xếp công việc để có thể tham gia vào những buổi “Free meals” tổ chức bởi các Hội Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những nguời không nhà. Có đến với những bữa cơm như thế này, tôi mới thấy thương cho những nguời dân Mỹ nghèo đói, Mỹ trắng có, Mỹ đen có, nguời da vàng cũng có, và có cả nguời Việt Nam mình nữa. Họ đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, rất trật tự, trong gió lạnh mùa thu, nhiều nguời không có cả một chiếc áo ấm, răng đánh bò cạp…để chờ đến phiên mình được lãnh một phần cơm và một chiếc mền, một cái túi ngủ qua đêm.
Ở nơi đâu trên trái dất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều nguời đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta…
Nếu nói về hai chữ “TẠ ƠN” với những nguời mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ cái list của chúng ta sẽ dài lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời này mà không từng mang ơn một hay nhiều nguời khác. Chúng ta được sinh ra làm nguời, đã là một ơn sủng của Thuợng Ðế. Như tôi đây, có đuợc ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng lại là ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy…
Cám ơn quê hương tôi -Việt Nam, với hai mùa mưa nắng, với những nguời dân bần cùng chịu khó. Quê hương tôi- nơi đã đón nhận tôi từ lúc sinh ra, để lại trong tim tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm cả một thời thơ ấu. Quê hương tôi, là nỗi nhớ, niềm thương của tôi, ngày lại ngày qua ở xứ lạ quê nguời…
Cám ơn Mẹ, đã sinh ra con và nuôi duỡng con cho đến ngày truởng thành. Cám ơn Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn đi, về những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu đựng suốt gần nửa thế kỷ qua…
Cám ơn Ba, đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên nguời. Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo, về những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học….
Cám ơn các Thầy Cô, đã dạy dỗ con nên nguời, đã truyền cho con biết bao kiến thức để con trở thành một nguời hữu dụng cho đất nuớc, xã hội…
Cám ơn các chị, các em tôi, đã xẻ chia với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê nguời, đã chia vui, động viên những lúc tôi thành công, đã nâng đỡ, vực tôi dậy những khi tôi vấp ngã hay thất bại…
Cám ơn tất cả bạn bè tôi, đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm – buồn vui- những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được. Nếu không có các bạn, thì có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì dể mà lưu luyến cả…
Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xưa, đã “nuôi” tôi cả mấy năm trời Ðại học, bằng những lon “gigo” cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nhỏ, hay những ly trà đá ở căn tin ngày nào.
Cám ơn các bệnh nhân của tôi, đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc. Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật…
Cám ơn các ông chủ, bà chủ của tôi, đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền, để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc…
Cám ơn những nguời tình, cả những nguời từng bỏ ra đi, đã giúp tôi biết đuợc cảm nhận đuợc thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly.
Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên đi chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương…
Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc dời, để nhận ra cuộc sống này là vô thuờng… để từ đó bớt dần “cái tôi”- cái ngã mạn của ngày nào…
Xin cám ơn tất cả… những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa từng quen biết. Bởi vì:
” Trăm năm trước thì ta chưa gặp,
Trăm năm sau biết gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau…”

Và cứ thế mỗi năm, khi mùa Lễ Tạ Ơn đến, tôi lại đi mua những tấm thiệp, hay một chút quà để tặng Mẹ, tặng Chị, tặng những người thân thương, và những nguời đã từng giúp đỡ tôi.
Cuộc sống này, đôi lúc chúng ta cũng cần nên biểu lộ tình thương yêu của mình, bằng một hành động gì đó cụ thể, dù chỉ là một lời nói “Con thương Mẹ”, hay một tấm thiệp, một cành hồng. Tình thương, là phải đuợc cho đi, và phải đuợc đón nhận, bởi lỡ mai này, những nguời thương của chúng ta không còn nữa, thì ngày Lễ Tạ Ơn sẽ có còn ý nghĩa gì không?
Xin cám ơn cuộc đời…

Hoàng Thanh



Khi lá trên cây ngả màu cam, vàng, đỏ, thêm một lần nữa Lễ Tạ Ơn lại trở về... Ấy là lúc  bạn nhận  lời chúc mừng của tôi: 
Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn Hạnh Phúc 

Sorry!




Ông Việt Nam mới học tiếng Anh vô tình đụng phải ông Tây nên nói: "I'm sorry",
Ông Tây cũng lịch sự: "I'm sorry too",
Ông Việt Nam nghe xong vội vàng: "I'm sorry three",
Ông Tây nghe thấy lạ quá hỏi: "What are you sorry for?",
Ông VN làm luôn: "I'm sorry five".
Ông Tây lo lắng hỏi ông Việt Nam : "Sorry, are you sick".
Ông VN vẫn thản nhiên: "I'm Sorry Seven".
Ông Tây tức lắm trợn mắt hỏi: "Sorry! Sorry!... do you intend to count to eight?".
Ông Việt Nam kiên nhẫn: "I'm sorry nine"...
Ông Tây ngọng luôn: "Then..then..."
Ông Việt Nam chơi luôn: "I'm sorry eleven”

Sưu tầm



CON LẦM RỒI

Bà góa phụ trẻ bảo con gái:
– Nè con! Con lên nhà trên chào người ta đi. Người ta là Việt kiều Mỹ mới về thăm quê và muốn… biết mặt con.
– Mẹ ơi, “ổng” đẹp trai và sang trọng ghê! Con… con run quá hà!

– Có gì mà run. Trước sau gì thì người ta cũng sẽ là… cha con mà.



CHUYỆN VỢ CHỒNG 6+6+6

6 tuần đầu...6 tháng sau...và...6 năm sau... đọc để biết tình yêu của tương lai!

1. Lời yêu thương
- Sau 6 tuần: Anh yêu em.
- Sau 6 tháng: Tất nhiên là anh yêu em.
- Sau 6 năm: Nếu không yêu, tôi cưới cô làm gì?

2. Khi đi làm về
- Sau 6 tuần: Em yêu, anh về rồi.
- Sau 6 tháng: Đã về.
- Sau 6 năm: Nấu bữa tối chưa?

3. Quà tặng
- Sau 6 tuần: Em yêu, hy vọng em sẽ thích sợi dây chuyền này.
- Sau 6 tháng: Anh mua một bức tranh, anh nghĩ treo nó ngoài phòng khách
thì rất hợp.
- Sau 6 năm: Lương đây, muốn mua gì thì tự đi mà mua.

4. Điện thoại đổ chuông
- Sau 6 tuần: Em ơi, có người muốn nói chuyện với em này.
- Sau 6 tháng: Điện thoại của em đấy.
- Sau 6 năm: Nghe điện thoại đi.

5. Nấu nướng
- Sau 6 tuần: Anh chưa bao giờ được ăn món nào ngon hơn thế.
- Sau 6 tháng: Em nấu món gì cho bữa tối thế?
- Sau 6 năm: Lại là món này à?

6. Lời xin lỗi
- Sau 6 tuần: Em yêu, đừng lo, anh thề không bao giờ tái phạm.
- Sau 6 tháng: Được rồi, anh hứa.
- Sau 6 năm: Biết rồi, nói nhiều thế.

7. Quần áo mới
- Sau 6 tuần: Trông em như thiên thần trong bộ đồ này.
- Sau 6 tháng: Em lại mua quần áo mới à?
- Sau 6 năm: Suốt ngày quần với áo.

8. Kế hoạch cho kỳ nghỉ
- Sau 6 tuần: Mình sẽ đi nghỉ vài ngày ở nơi nào đó em thích.
- Sau 6 tuần: Đi nơi nào đó vừa gần vừa rẻ ý.
- Sau 6 năm: Du lịch làm gì, ở nhà thì có chết ai.

9. Chiếc tivi
- Sau 6 tuần: Chúng mình xem phim gì tối nay?
- Sau 6 tháng: Anh thích phim này hơn.
- Sau 6 năm: Để kênh này xem bóng đá đi. Em không thích thì cứ ngủ sớm.

10. Chiếc gường
- Sau 6 tuần: Chúng mình cưa bỏ nửa chiếc giường đi em ạ.
- Sau 6 tháng: Chiếc giường này vừa đủ em ạ.
- Sau 6 năm: Anh ra ngoài nằm cho thoáng.

11 Đi xe máy
- Sau 6 tuần: Khiếp, giữa anh và em ngồi thêm được 1 người nữa đấy.
- Sau 6 tháng: Mình mua chiếc SH cho đủ chổ ngồi em ạ.
- Sau 6 năm: Mỗi người đi một xe cho nó tiện .

12. Nhà
- Sau 6 tuần: Chúng mình cần một phòng là đủ.
- Sau 6 tháng: Mình nên tìm mua nhà có 4 phòng.
- Sau 6 năm: Ta nên có hai cái nhà, phòng khi mình cãi nhau.

13. Con cái
- Sau 6 tuần: Có bầu chưa em .
- Sau 6 tháng: Còn 4 tháng nữa anh làm bố rồi!.
- Sau 6 năm: Đi thử ADN.

14. Tiền bạc
- Sau 6 tuần: Tiền của anh là của em.
- Sau 6 tháng: Em phải để cho anh ít tiền tiêu vặt chứ!.
- Sau 6 năm: A!, anh dám lập qũi đen à!

15. Nghe em nói
- Sau 6 tuần: Không nghe em nói anh nhớ lắm.
- Sau 6 tháng: Anh biết rồi!.
- Sau 6 năm: Em im lặng một lúc không được sao.

16. Đi siêu thị
- Sau 6 tuần: Ở cạnh em là anh vui rồi.
- Sau 6 tháng: Mua nhanh nhanh rồi về.
- Sau 6 năm: Em đi một mình được rồi

17. Trang sức
- Sau 6 tuần: Để anh mua cho em đôi hoa tai cho đủ bộ.
- Sau 6 tháng: Mua làm gì nhiều hả em.
- Sau 6 năm: Cứ đeo mấy cái thứ ấy, cướp nó giật cho…có gì thì đừng bảo tui
đi nuôi .

18. Ủi đồ
- Sau 6 tuần: Em ủi lúc nào nhanh thế.
- Sau 6 tháng: Còn cái này chưa ủi này.
- Sau 6 năm: Chờ cô ủi có mà ở trần đi làm .

19. Nghe vợ nói:
- Sau 6 tuần: giọng e cứ líu ríu như chim hót ấy, a nghe cả đời ko chán
- Sau 6 tháng: Nói ít thôi cho anh còn xem bóng đá
- Sau 6 năm: Sao cứ quàng quạc như vịt suốt ngày thế nhỉ, ko biết mệt à

20. Sang đường (nhân dịp sáng nay vợ chồng tớ sang đường):
- Sau 6 tuần: Từ từ em, để anh dắt sang đường nào, xe cộ thế này nguy hiểm
lắm.
- Sau 6 tháng: Nhìn vào mà sang đường.
- Sau 6 năm: Làm gì mà dò dẫm như thế, chết làm sao được mà sợ.

21. Ăn đêm
- Sau 6 tuần: E có đói ko, em thích ăn gì, anh chạy ù ra ngoài phố mua về
cho
- Sau 6 tháng: Vừa ăn tối xong giờ này đã đói rồi à, lấy tạm gói sữa mà
uống đi
- Sau 6 năm: Ăn gì mà ăn lắm thế, người ngợm thì béo ú lên rồi kia kìa

22. Trang điểm
- Sau 6 tuần: Em trang điểm nhẹ nhàng nhưng rất ấn tượng, anh rất tự hào
khi đi bên cạnh em
- Sau 6 tháng: Thôi, không trang điểm có chết ai đâu nào
- Sau 6 năm: Son son với chả phấn phấn, mất thời gian. Có định đi không thì
bảo

23. Món ăn
- Sau 6 tuần: Món ăn có vị hơi lạ nhưng là sản phẩm của chính tay em làm
nên thật tuyệt vời
- Sau 6 tháng: Em xem bố trí thời gian đi học nấu ăn đi
- Sau 6 năm: Nấu ăn thế này thì ai mà nuốt nổi hả trời, vợ với chả con

24. Du lịch
- Sau 6 tuần:Anh sẽ đưa em đi khắp thế gian này
- Sau 6 tháng: Ở nhà thôi, đi một chuyến cũng mất toi mấy tháng lương
- Sau 6 năm: Du lịch du liếc gì, năm nào cũng đi chưa chán àh

25. Chuyện ấy
- sau 6 tuần: mỗi ngày một lần, suốt đời em nhé.
- sau 6 tháng: hôm nay anh mệt.
- sau 6 năm: Để yên cho tôi ngủ, khều khều cái gì.

26. Uống cafe
- sau 6 tuần: Em nhớ lần đầu mình đi uống cafe với nhau không, anh thích
lúc như thế này.
- sau 6 tháng: mình mới đi tuần trước rồi mà.
- sau 6 năm: Ra đấy làm cái gì, xem tivi còn có lý hơn.

27. Mua đồ cho con
- sau 6 tuần bé sinh: phải tự tay anh chọn anh mới yên tâm.
- bé được 6 tháng: bộ nào cũng được.
- bé sáu tuổi: có bộ đồ mà cũng không biết mua cho con, thế mà cũng làm mẹ.

28. Mua quà cho bố mẹ vợ
- sau 6 tuần: Anh biết tính bố mẹ lắm, cứ để anh mua.
- sau 6 tháng: em xem bố mẹ cần gì thì mua.
- sau 6 năm: Ông bà già rồi, có cần đâu mà mua.

29. Sau giờ làm
- sau 6 tuần: để anh đón em về luôn, tồi mình cùng đi ăn tối.
- sau 6 tháng: Em về nấu cơm trước, anh xong việc về ngay.
- sau 6 năm: Em cứ ăn cơm trước, anh nhậu với bạn rồi.

30. Đọc Báo
6 tuần : anh thấy mấy quyển báo/truyện này hay quá nên mua cho em đọc
6 tháng : mục vui cười này hay quá (cả 2 vừa đọc vừa cưới khúc khích )
6 năm : anh ơi mục ĐBGB trên web trẻ thơ có topic này hay lắm em đọc cho
anh nghe nhé Ui xời em đọc đi anh đang buồn ngủ

31. Copy topic này cho chồng đọc
- Sau 6 tuần: Đâu đâu, cũng hay đấy chứ em, để anh đọc rồi rút kinh nghiệm
- Sau 6 tháng: Cứ từ từ để đấy. lúc nào rảnh anh xem
- Sau 6 năm: Rách việc, ko có việc gì làm nữa hay sao

32. Vợ thân hình hơi tròn trịa, luôn hỏi chồng một câu hỏi : Em có béo không anh?
Sau 6 tuần: Không, nhìn em phúc hậu.
Sau 6 tháng:Không!
Sau 6 năm: Nhiều mỡ quá, ngấy lắm!


Sưu tầm







Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Người con gái không nịt ngực



Sau khi được tàu Mỹ vớt, chúng tôi nằm la liệt trên sàn tàu. Mười sáu ngày vùi dập bởi sóng biển, đói khát, rét lạnh làm mọi người tơi tả. Một em bé sanh ra trên tàu được cấp tốc đưa vô phòng cấp cứu. Chiếc tàu nhỏ loại đánh cá chở chúng tôi đi buộc dây kéo theo sau, nhỏ bé như con kiến đi cạnh con voi. Chỉ một thời gian ngắn sau, các miếng gỗ của tàu cũng sút ra từng mảnh, trôi lênh đênh... 

Ôi! Chiếc tầu nhỏ, quá nhỏ, chỉ ba mươi ba người mà đã chật không còn chỗ ngồi hay đứng. Chỉ mới qua đêm thôi, khi ngồi bó gối trong thân tầu, bị sóng biển nhận chìm, đưa lên rồi lại bị nhận chìm sâu hơn nữa vào trong lòng biển lạnh, rồi nghe tiếng kêu răng rắc của những mạnh gỗ bắt đầu bị lồi ra những cây đinh thì chúng tôi hiểu rằng chiếc tầu thân yêu không còn có thể gánh vác mạng sống của chúng tôi xa hơn được nữa. 

Tôi đưa mắt nhìn những thủy thủ trên tầu Mỹ, lòng tràn ngập niềm vui và niềm biết ơn khó diễn tả. Và lon Cola mà tôi được phát, chao ôi sao mà nó ngon! Trôi tuột vào cổ họng khô khát... Có lẽ đó là lon coca ngon nhất trên đời tôi được uống. Chỉ mới hôm qua thôi, ngày thứ mười lăm, khi một em nhỏ trên tàu thoi thóp khóc vì quá khát thì mẹ em đã gieo cho em chút hy vọng: "Ráng đi con, khi nào có tầu vớt thì con sẽ được uống nhiều nước. Có khi lại có Coca!". Lúc ấy chúng tôi mới chỉ nghĩ đó như một giấc mơ. Hai đứa em tôi nằm bên cạnh, rên lên khi nghe nói tới nước...Từ cả hơn mười mấy ngày trước, khi đói và khát quá thì thằng nhỏ nhất bắt đầu mơ tưởng đến đồ ăn thức uống: " Chị ơi! Em đói quá! Em thèm một tô phở. Và một ly trà đá thật bự! Hay cái gì cũng được! Một tô mì, bánh xèo, hay bún bò..." Một bà trên tầu gắt lên: "Trời ơi! Đói khát thế này mà cứ kể ra mấy món ấy có chết không cơ chứ?". Rồi bà lâm râm đọc kinh, cả tầu cũng đọc kinh...Em tôi không dám nói lớn nữa, nhưng ráng thì thào bên tai tôi: "Chị ơi! Hay chị cho em một chén cơm nguội cũng được!" Tội nghiệp! Nó quá nhỏ để hiểu cuộc hành trình này không có quyền chọn lựa. Rồi nó không thì thào được nữa, mà bắt đầu khóc, và chỉ vào hạ bộ của nó đang sưng đỏ vù. Tầu nhỏ, không có chỗ ngồi huống chi chỗ đi tiểu, đi cầu...Lúc đầu mọi người còn ráng ra ngoài để tìm chỗ đi, nhưng khi say sóng và đuối sức thì ai ngồi chỗ nào đi chỗ nấy. Sau những ngày không được chùi rửa vệ sinh, hạ bộ đỏ u lên. Em tôi không hiểu tại sao hạ bộ nó sưng phồng, đỏ lòm và to gấp hai, ba lần bình thường. Mỗi lần nước biển tạt vào, nước muối mặn sát vào da thịt rát quá làm mọi người kêu la, oằn oại như thấu trời xanh. Rồi cộng thêm với những đêm bão lạnh kinh hoàng mà mỗi giọt nước rót vào người là như mũi dao xẻ thịt xẻ da, thì em tôi cảm giác như có những mũi dao cắt đứt đi cái phần cơ thể riêng tư quý báu đang bị sưng vù nên vểnh lên cao nơi hạ bộ của nó. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn hình dung thấy hình ảnh những em trai nhỏ và những người con trai cúi cong người che hai chân lại rên xiết mỗi lần những cơn và sóng biển ập xuống. 

Trên tầu Mỹ, vì không đủ phòng tắm cho mọi người cùng vào, chúng tôi được chia làm hai hàng nam và nữ. Hai thủy thủ cầm hai ống nước gấp rút xịt nước tắm cho mọi người, tất cả quần áo được cởi ra để đem khử trùng giặt sấy. Các thủy thủ gom góp áo quần của mình phân phát cho mọi người mặc tạm. Những bộ quần áo Mỹ rộng lớn bao che thân thể Việt gầy nhỏ, chúng tôi bơi lội trong đó như bơi lội trong niềm hạnh phúc và lòng tri ân được vượt thoát bình an. 

Ngày hôm sau quần áo giặt sấy xong được trả về cho mọi người. Vì ở rải rác trên boong tầu không có mặt lúc phát lại quần áo, hoặc có những người nhận lộn đồ, chúng tôi đa số người lạc áo kể lạc quần, giầy dép không còn. Tôi còn lạc mất chiếc nịt ngực. Ngày đặt chân lên trại tị nạn, đôi chân trần bước trên đất nóng, tôi vẫn không thấy ngại bằng cảm thấy bộ ngực vô cùng trống trải. Thủa ấy tôi mới vừa mười tám tuổi, sinh ra và lớn lên trên cao nguyên Đà Lạt. Ở thành phố nhỏ hoa anh đào đó, đời sống là áo trắng hiền ngoan, má đỏ môi hồng, thẹn thùng e ấp. Vậy mà bỗng chốc lăn vào đời, chân không giầy dép, người không nịt ngực. Cái nịt ngực đối với tôi, nhất là ở xứ lạnh, là một vật dụng thân thiết ít khi rời. Nó vừa giữ ấm cho người, vừa che đậy nâng đỡ một phần cơ thể kín đáo. Ở phần dưới nịt ngực thường có một viền sắt mỏng hay viền vải chắn ngang, và một lớp vải dầy với miếng mút ôm gọn hai bầu vú để giữ cho phần ngực không rung rinh di chuyển theo mỗi bước đi và không lộ rõ núm vú. Khi sinh hoạt, dù trong nhà, cũng nên mang. Thế mà bây giờ, ở chốn đông người, giữa ban ngày ban mặt, tôi đi đứng chạy nhảy mà chẳng mang nịt ngực. Cái cảm giác trống trải không kín đáo này đối với tôi, một người con gái Á Đông lần đầu bước vào đời là cái cảm giác không an toàn, hở hang, bất an... 

Tôi lên trại xin cấp nhưng chưa có. Trại chuyển tiếp có những nhu cầu cần thiết hơn phải được giải quyết trước. Miếng ăn, nước uống, thuốc men, nhà vệ sinh, tất cả còn thiếu mà người tị nạn đổ về mỗi lúc một đông. Lúc bấy giờ ở Việt Nam mà đa số là đàn ông thanh niên bị kêu gọi tham gia "thanh niên xung phong" hoặc bị gởi qua chiến trường Cam Bốt khốc liệt. Mọi người vội vã tìm đường vượt biên, trại rất đông đàn ông con trai. Và đủ mọi hạng người. Mỗi lần sáng chiều đi lãnh cơm, đi tắm, đi hứng nước hay có loa gọi gấp lên làm giấy tờ, tôi đi giữa những hàng chòi lá và dãy nhà tập thể, cảm nhận có những cặp mắt nhìn theo bộ ngực vô tình nhấp nhô theo từng bước chân chạy... 

Tôi vừa mất cha nên có miếng tang đeo trước ngực, không biết người ta nhìn miếng tang cảm thông với tôi hay nhìn vào ngực và biết tôi thiếu cái nịt ngực...Có những cái nhìn rất soi mói, như lột trần mình ra. Con gái mới lớn, bộ ngực nở nang không làm tôi hãnh diện mà chỉ làm tôi thêm ngại ngùng khổ sở. Ở lứa tuổi học trò ngây thơ thủa đó, cảm giác nhận được là nhột nhạt, khó chịu, bất an. Tôi bỏ luôn thói quen mỗi sáng tập thể dục ngoài trời, vì khi không có nịt ngực thì những động tác nhún nhẩy có thể tạo sự chú ý. Ngay cả những ngày hè nóng nực ở trại tị nạn cũng không thoải mái thả mình theo sóng biển, bởi quần áo càng dính chặt vào người, núm vú càng hiện rõ, lộ liễu. Ở cái tuổi con gái tươi trẻ tung tăng mà tôi không hề dám tung tăng. Có hôm đang đi, nghe tiếng huýt sáo trêu ghẹo đuổi theo, tôi ngại và mắc cỡ quá lính quýnh đi như chạy, vấp té làm áo bị sút khuy nút. Hai tay vội vã cố gài khuy áo, tôi đi tiếp trong những tiếng cười tinh nghịch nham nhở. Có lần vừa sắp hàng đi hứng nước tắm về, thì nhạc quốc ca của trại trỗi lên, mọi người đang đi đường đứng nghiêm lại hát chào quốc kỳ. Tôi đang đứng nghiêm chỉnh bỗng nghe tiếng cười chỉ trỏ về phía mình, Một vài thanh niên đang ngồi trên tầng trên của chòi lá thò đấu ra nhìn tôi rồi một người chợt nói: "Chắc tắm về để quên cái nịt ngực!" Rồi họ cười hô hố. Một người khác tiếp theo: "Tên gì thế em! Tối nay đi chơi trọn đêm với anh nhá?" Một người lớn tuổi đang đứng chào cờ không xa, tỏ vẻ khó chịu. Ông ta nói vừa đủ tôi nghe: "Lần sau có ra đường hay chào quốc kỳ thì nhớ mặc nịt ngực! Con gái lớn ra đường ăn mặc đàng hoàng một chút!" 

Tôi còn đang ngơ ngác thì tiếng quốc ca và mặc niệm chấm dứt, mọi người tiếp tục đi. Tôi cúi xuống cầm xô nước, ngỡ ngàng. Trời ơi! Thì ra có người tưởng tôi cố tình không mặc đồ đàng hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi biết điều này. Tôi cảm thấy nghẹn không thể nói thành lời, muốn chạy đến người đàn ông khi nãy để nói rằng là tôi không phải cố ý như thế, mà hai chân tôi cứ bước như người không hồn, xô nước sóng sánh đổ ra mà không biết. 

Dường như có giọt lệ nào, không chảy xuống mà chảy ngược vào tim tôi, lăn mãi, và lăn mãi... 

Chiều chiều trong chòi lá nghe từ loa vọng lại bài hát "Người Di Tản Buồn", tôi thấy như bóng dáng mình trong đó..." Chiều nay có một người đôi mắt buồn, ngày ra đi lặng câm trong đau đớn..." Tôi ngồi bên xong cửa, thấy chiều rơi rất chậm, rồi "rưng rưng lệ vương mắt lệ nhòa "... 

Rồi tôi cũng được chuyển sang một trại tị nạn chính thức khá hơn một chút, và xin được cái nịt ngực cũ. Cái cảm giác đầu tiên khi được mang lại vật dụng thân thiết ấy của người nữ làm tôi thật an toàn, yên ổn. Dù không vừa vặn nhưng thế là quá đủ! 

Rồi tôi liên lạc được với người chị từ một trại khác vừa sang Mỹ. Ngày được bảo lãnh, khi chị đón ở phi trường, tôi nhìn chị, rồi như bị ám ảnh bởi hình ảnh của chính mình trong những ngày đầu tị nạn, tôi len lén nhìn vào ngực chị, trong phút chốc chợt mủi lòng, nhớ cha nhớ mẹ, nước mắt âm thầm lăn dài trên má. Chị cũng khóc, nhưng có lẽ lúc ấy chị không hiểu đích xác cái tủi buồn thầm kín của em mình. 

Ngày hôm sau, vì trúng ngày thi cuối khóa nên chị nhờ người bạn trai là hôn phu chở chúng tôi đi làm giấy tờ và mua ít vật dụng cần thiết. Tôi đi trong thương xá rộng lớn, rồi bỗng sáng mắt khi nhìn thấy quầy bán nịt ngực, Chao ơi nhiều! đủ mầu đủ số. Tôi mân mê vuốt nhẹ lên từng phiến vải mềm, như muốn cảm nhận được tất cả sự dịu êm của từng miếng ren vải lụa, thấy lòng hạnh phúc reo vui như thể được cái gì quí giá lắm. Tôi chọn lấy một cái vừa vặn và một quần lót nhỏ cùng màu. Thế nhưng đến lúc ra quầy tính tiền, nhìn thấy người bạn trai của chị đang đứng chờ, tôi chợt thấy ngại. Tưởng tượng phải thả cái nịt ngực và cái quần lót nhỏ xuống trước mặt anh, tôi đã thấy ngượng. Tôi len lén bỏ lại, mơ hồ một cảm giác luyến tiếc sâu kín... 

Hai em tôi đã chọn được cặp táp, vở học, và một ít quần áo. Còn tôi, tôi đã dành trọn thời giờ bên quầy nịt ngực... 

Bây giờ tôi đã có nhiều chiếc nịt ngực, khác mầu, khác kiểu. Nhưng trong một góc ngăn kéo, tôi vẫn còn giữ lại cái chiếc chật cũ của những ngày tị nạn. Và trong một góc ngăn kéo rất sau thẳm của ký ức vẫn như còn đọng lại hình dáng một chiếc nịt ngực ao ước mãi của ngày xưa... 

Sau này, khi các con tôi khôn lớn, sẽ có một lúc nào đó tôi dẫn vào thương xá, rồi như vô tình, đi ngang quầy bán nịt ngực, tôi sẽ kể các con nghe về chút kỷ niệm của thời mới lớn. Đơn giản thôi các con! Chỉ là một chiếc nịt ngực, mà đã từng là niềm mơ ước, nỗi ám ảnh của mẹ trong một khoảng đời con gái. 

Giờ đây, tuổi trẻ các con lớn lên trong mệm ấm chăn êm. Thấy những gì đang có sẵn là tự nhiên, là bình thường. Đôi khi còn than thở, so sánh...Có biết đâu có những không gian và thời gian mà ở đó, ngay cả những cái nhỏ bé bình thường nhất cũng có thể là nỗi tủi nhục, niềm ao ước cháy bỏng. Đừng nói chi đến cái bầu trời tự do để thở như ở đây thì đã là quá tuyệt diệu và đã từng đánh đổi bằng biết bao là đau khổ chồng chất. 

Có một thời gian, những câu chuyện vượt biên thống khổ như những vết thương mà người ta muốn quên đi để bớt nhức nhối trong một cuộc sống mới xa lạ và tất bật. Thế nhưng khi có dịp ôn lại và tìm về những kỷ vật cũ ấy, tôi chợt nhận ra rằng những đề tài cũ và đấy dấu tích đau khổ ấy, lại là những bài học tiêu biểu vô cùng cho những thế hệ sau... 

Và tôi hiểu ra rằng đó còn chính là bài học cho chính tôi... 

Ôi thảm nạn của những cuộc hành trình vượt chết vô tiền khoáng hậu! Ôi những chiếc tầu nhỏ bé một bloc chỉ có thể chạy trên sông mà đã băng biển vượt sóng rồi giông tố biển khơi, hải tặc tàn bạo, và nhục nhằn của bao người trong cuộc hành trình vượt chết...Thế mà bây giờ, tôi ngồi đây, trong cuộc sống có thể gọi là đầy đủ, nhiều lúc lại cho rằng đời sống sao mà khổ! Nào con cái, việc làm, nhà cửa, sao mà bận bịu! Nào "bill", nào "Job", nào chứng khoán trồi sụt...nhưng nghĩ cho cùng, thì có phải là những ngày đêm dài thăm thẳm trôi dạt trên thân tầu sắp vỡ, lúc gần chôn thây trong biển lạnh, lúc cận kề cái chết trong gang tấc, tôi chỉ ước mơ đứng trên đất liền, được sống...Có phải là khi ra đi tôi chỉ mong một bầu trời tự do hơn để thở, có phải là tôi đã ngủ quên cái hạnh phúc lớn lao mà biết bao người không may mắn có được... và, nhìn lại tủ áo, có phải là một lúc nào đó trong đời tôi chỉ ao ước một cái nịt ngực... 

Có nghe, có đọc, có nhớ, có hình dung lại những cuộc hành trình biển đông năm xưa thì dường như ta mới cảm nhận được thấm thía hơn tất cả cái may mắn và hạnh phúc mình đang có. 

Những thống kê về di dân đã cho thấy thế hệ di dân đầu tiên, như chúng ta, là thế hệ làm cầu nối cho các thế hệ kế tiếp vốn không có chút kỷ niệm và ấn tượng gì về quê hương mà cha mẹ đã phải bỏ lại. Đó là những thế hệ rất dễ ngày càng xa nguồn gốc nếu không được học hỏi giả thích. 

Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhất thiết phải đi làm cho thật nhiều để các con có cuộc sống dư thừa, rồi để lại cho các con gia tài tiền của. Nhưng, đại dương sóng sau dồn sóng trước, tôi sẽ góp phần làm gạch nối giữa các con với những giá trị muôn đời của cội nguồn dân tộc. Các con sẽ được chia xẻ, rút tỉa những kinh nghiệm quí báu của cha ông đồng thời học hỏi những cái hay cái lạ của xứ người. Cái đó mới là cái đẹp riêng, là gia tài hành trang của các con, khi một lúc nào đó nhìn màu da khác người bản xứ, sẽ tự hỏi: " Tôi là ai? từ đâu đến, vì sao tôi ở chốn này?" Các con sẽ được giải thích để hiểu rõ, để tự tin, hãnh diện, và sẽ có lúc giải thích cho các con của mình hiểu. Những lúc yếu mềm, không nghị lực, không lối thoát, hãy lăn bành một chút về dĩ vãng, học ở đó những bài học xương máu. Khi tìm hiểu về những chiến trận anh hùng, những hành trình thống khổ đầy gương can đảm, các con sẽ thấy rằng ở đời có muôn ngàn cái khổ, nhưng có những cái khổ và cái can đảm làm rung chuyển lương tâm nhân loại. Máu, mồ hôi, nước mắt nhiều khi liên tiếp đổ ra mà chưa chắc đánh đổi được những gì chúng ta đang có. Rồi hãy hít thở đi cho ngập tràn khí quản cái tự do hạnh phúc quí báu vô vàn, rồi can đảm tiếp bước đi trên đường đời ngang dọc. 

Đừng quên rằng chung quanh chúng ta, có những không gian và thời gian mà ở đó có những điều cần thiết, tuy nhỏ bé và bình thường, nhưng chỉ một chiếc nịt ngực thôi, cũng có thể là nỗi ước ao triền miên của những khoảng đời cơ cực... 

Amy Phương Lê

Vậy Mà Tôi Cứ Tưởng

1- • Bữa nay ông già lại ra thực đơn… 

• Ba đòi ăn gì má? 

• Bò xào cải rổ. 

• Vậy thì mình ăn bò xào cải rổ luôn 

• Ổng đòi vậy chứ mà có ăn được đâu. Hôm qua đòi ăn đùi gà, mình bỏ công nấu cho nhừ, xé nhỏ từng miếng, mới nuốt miếng đầu tiên là ổng khoát tay, nhè ra hết. 

• Trời, tội nghiệp vậy! Thèm mà không ăn được mới tội. 

Mấy bữa nay ông già chồng tôi bệnh. Lần này chắc nặng. Ông nằm nhiều ngày. Ông kêu đau lưng quá, không ngồi dậy được. Bác sĩ nói bị thấp khớp. Nằm một chỗ nhưng mỗi ngày ông ra một thực đơn rất cụ thể. Bánh ngọt Givral, bò vò viên mua ở Coopmart có gân, đùi gà ta luộc. Đòi thì nhiều nhưng ăn chẳng được miếng nào. Mấy bữa nay ông lại trở chứng, chỉ có tôi đút thuốc, đút thức ăn là ông chịu hả miệng, còn bà già chồng tôi chăm sóc thì ông cứ đưa tay gạt phắt đi. Tôi sợ bà buồn nhưng bà nói: “ Ổng nể bây nên ông ráng mà nuốt đó mà”. Chuyện như vậy nên tự nhiên tôi trở thành một con dâu hiếu thảo dù bình thường tôi rất ngại tiếp cận với ông. Tôi mời được một bác sĩ gia đình đến chăm sóc cho ông. Ông nói: • Bác sĩ ơi, sao tự nhiên tôi bị ngọng. Má chồng tôi cũng nói ông ngọng. Ông bị thụt lưỡi. Chắc ông sắp đi rồi. Tôi thấy đôi mắt ông như dại đi. Biết ông ham vui tôi gọi điện thoại cho má ruột tôi : 

• Má kêu mấy đứa nhỏ ra thăm ông nội bé Linh dùm con. Ổng yếu lắm. 
Vậy là ba má tôi và mười đứa em cùng vợ chồng con cái kéo hết ra thăm ông già. Hôm đó ông vui lằm. Nói cười sang sảng. Mỹ Tâm, đứa em gái thứ tám của tôi nói: 

• Chị nói sao chứ em thấy bác Tư còn khỏe mà. 

• Ừa chắc thấy đông vui thì ông khỏe lên chứ bình thường ông đâu được vậy. Thấy tôi lo lằng. Má tôi an ủi: 

• Thấp khớp thấy vậy chứ không sao đâu, bệnh này lâu lăm. 
Con Thùy, cô người làm của tôi cũng nói : 

• Chị đùng lo, năm năm nữa ông nội cũng không sao đâu. 
Con Vân, cô người làm cũ về thăm cũng nói : 

• Hồi đó ba con cũng năm một chỗ. Thấy thì lo chứ không đến đỗi đâu,cô Lam đừng lo. 

Tôi cứ hỏi” Thiệt không?” 

Nhà đơn chiếc quá, tôi chưa muốn một thành viên nào ra đi. Ông đòi vào bệnh viện. Nằm ba ngày rồi về. Ông đi lại được. Sau bí đái lại vào viện. Nhà phải chia nhau ra chăm ông. Gọi điện thoại vào thăm thì thằng Thức , cháu kêu ông bằng Dượng đang trực ở bệnh viện khoe: 
• Dượng Tư ăn khỏe lắm. Ăn hết nguyên một phần cơm bò xào. Mà Dượng Tư bắt em phải đi mua cơm ở nhà hang Dìn ký mới chịu đó. 
Nghe vậy tôi mừng. Có ăn là có sức. Có sức thì có khỏe. 


2- Sao dạo này tôi cứ trằn trọc khó ngủ. Linh cảm như có chuyện lớn sắp xảy ra. Có tiếng chuông điện thoại lúc bốn giờ sang. Thôi chắc có chuyện lớn rồi. Không thôi ai lại gọi vào giờ này. Tôi đứng tim chờ. Sau chừng vài phút má chồng tôi gõ cửa : 

• Thằng Thức gọi. Ba đi rồi. 

Vậy là ai cũng nói sai hết. Đâu phải thấy vậy mà lâu. Ông già trở bệnh mới có hai tuần, mà cũng không phải là bệnh phải chết người nên tôi cứ tưởng… 
Khi vào bệnh viện thì hai đứa con gái riêng của ông đã ở đó. Tôi giở tấm khăn đắp mặt ông ra nhìn. Đôi mắt vẫn còn mở, trắng dã. Tôi đưa tay vuốt. Đôi mắt khép lại. Tôi tự hỏi :» Cơ thể đã chết rồi sao đôi mắt còn biết nhắm mở ? » 

Khi làm xong mọi thủ tục để đưa ông về nhà thì tôi nghe má chồng tôi nói chuyện với những người bà con của ông ở dưới quê, bảo họ chuẩn bị dùm một chỗ cho ông nằm. Kinh ngạc vô cùng tôi hỏi : 

• Ủa, sao má lại.. 

• Ba muốn về quê nằm bên cạnh ông nội. 

• Sao chưa bao giờ con nghe ba nói.. 

• Ông đã gọi điện thoại cho hết thảy bà con dưới quê là ông săp về cất nhà cạnh ông nội. 

• Sao…. 

Vợ chồng tôi đã hai lần lo sẵn mộ phần cho ông bà. Lần nhất là hai chỗ cạnh bà ngoại chồng tôi. Sau có chỗ đẹp hơn nên vợ chồng tôi cho bà con nào cần, tạo hai mộ phần khác ở một nghĩa trang sạch đẹp nhất thành phố. Mỗi lần có dịp đi đưa tang ai ở nghĩa trang đó ông đều dẫn người quen đến khoe ngôi nhà tương lai. Tôi tưởng vợ chồng tôi đã lo cho cha mẹ tươm tất lắm. Lòng thỏa mãn. Nhưng cuối đời ông lại không thèm. Ông muốn về một miền quê xa tít tắp mà ông đã bỏ đi từ năm mười ba tuổi, hơn sáu mươi bảy năm trời. Vậy mà tôi cứ tưởng… 


3- Ngay sau ngày mở cửa mả, má chồng tôi quyết liệt cho đi tất cả nhưng gì mang dấu tích của ông già. Điện thoại di động, đồng hồ, đồ dùng cá nhân…tất tần tật. Bà nói : 

• Đổi cái giường đi. 

• Bộ má sợ hả? Ba đâu có mất trên cái giường này đâu… 

• Tao không sợ, cái giường này có cái múi của ổng. Vậy là đổi giường. Chưa hết, bà càu nhàu: 

• Bỏ cái tủ áo này đi. 

• Sao vậy? 

• - Còn mùi của ổng….. 

• Bỏ tủ áo này thì biết lấy cái gì thế. Để con lấy nước hoa xịt, khử hết cái mùi của ba nha. 

Vậy là bà chấp nhận nằm cái giường cá nhân thay cho cái giường đôi rộng lớn. Tôi nghĩ chắc bà không muốn chạnh lòng nhớ ông mà buồn. Vậy mà tôi cứ tưởng bà muốn giữ tàn y lại để dành hương…. 

Cũng ngay sau ngày mở cửa mã, bà đòi con Thùy sáng hôm sau đưa bà đi chợ. Con Thùy sợ bà mệt, bà buồn, bà không đi chợ nỗi nên nó tự động đi chợ cho bà. Chờ hoài không thấy nó tới, bà giận. Tôi la con Thùy không chìu bà. Con Thùy cố giải thích, bà không thèm nghe mà dứt khoát nói: 

• Tao đâu có liệt đâu mà đi không nỗi. 

Con Thùy tấm tức nói: 

• Vậy mà con tưởng… 

Tôi cũng nói trong bụng “ Con cũng tưởng….” 

Ông già mất. Tôi cứ cám cảnh bà già buồn thiu trong căn phòng rộng. Trưa tôi xuống phòng bà thăm. Tối tôi xuống phòng bà thăm. Tôi muốn bảo đảm cái Tivi bà coi nó OK, có hình rõ tiếng ( vì có nhiều nút điều khiển tôi sợ bà bối rồi). Tôi cứ nhắc nhở bà đi đứng cẩn thận. Tôi dặn con Thùy dòm ngó bà, không ngờ bà quạu: 

• Chưa chắc ai chết trước ai đâu mà lo. 
Tôi ngỡ ngàng, vậy mà tôi cứ tưởng…. 


4. Cứ tin là bà đang chạy trốn nỗi buồn mất một người chung chăn gối hơn năm mươi năm. Nhất là khi ông còn sống, dù rất tài năng, bà chỉ ở nhà để “dòm ngó’ ông đúng nghĩa. Ông đố được nói cười vui vẻ với ai nếu là người khác giới tính, bất kể người đó bao nhiêu tuổi, vai vế thế nào với bà, với ông. Tôi nghĩ chắc bà phải yêu ông ghê ghê lắm và bây giờ chắc phải suy sụp lắm lắm lắm. Nhưng bà không có biểu hiện của một bà già vừa mất chồng, cô đơn trong những ngày xế bóng. Mà ngược lại, bà có vẻ thư thái nhẹ nhàng, lên kế hoạch đi đây đi đó, nói cười rỗn rảng. Tôi hỏi : 

- Ba mất má không buồn sao? 

- Buồn gì mà buồn, già tới số thì chết, có gì mà buồn. 

- Con nghe con Thùy nói lúc ba nằm một chỗ, đêm nào má cũng đốt nhang vái cho ba đi sớm. 

- Ừa thì sống không khỏe thì để ông bà rước ổng đi. Ổng mà không đi sớm thì tao đi… có tối nào ngủ được với ổng, ông cứ hết khều móc tới đái ỉa. Hết đaí ỉa lại cứ rên hừ hừ.. 

- Nhưng bây giờ ra vô một mình má không buồn sao? 

- Thì cũng hơi buồn thôi, rồi cũng quen. Nghĩ lại sống một mình cũng khỏe re, muốn làm gì thì làm. Hồi có ổng có đi đâu được. 

- Thì ba đâu có cấm má đi, tại má không đi… 

- Ổng mất nết làm sao mà dám đi đâu… 

- Con về nhà này hơn ba chục năm, con thấy ba rất đàng hoàng. 

- Đó là tại bây chưa biết… 

Tôi nói thầm “ Đó là tại má chưa biết má bệnh quá đó thôi!” 

- Thôi má đừng kể tội ba nữa. Con biết hết rồi… ( Tôi phải vội ngăn bà kể những câu chuyện hư hỏng của ông già mà cà nhà tôi không ai tin, dù chỉ là một phần nghìn). Tò mò tôi phỏng vấn tiếp: 

- Vậy chứ bây giờ không vướng bận bà thì má muốn sống ra sao? 

- Bây kêu thằng Minh mua nhạc Pháp, nhạc Trịnh công Sơn cho tao. Bây giờ tao học đàn lại. Hồi có ổng, mỗi lần tao nghe nhạc ổng nhằn, ổng chỉ thích coi đô vật với xem bóng đá. Ba cái thứ đồ quỷ đó…tao đâu có coi, um sùm. Tao mà đàn thì ổng đi tới đi lui dòm dòm khó chịu. Muốn đi đâu chơi, ngồi chưa nóng đít ổng đã đòi về… Bây giờ muốn làm gì thì làm, khỏe ra, sướng muốn chết. 

- Vậy mà con tưởng…. 

Tôi đem chuyện bà già chồng tôi về chia xẽ với mẹ ruột. Mẹ tôi yêu thương ba tôi vô cùng. Bà mong khi nào đi thì đi có đôi. Trong cuộc sống bà chìu chuộng ông từng chút. Bà luôn nói “ Già rồi có vui thì sống mới lâu, để ổng buồn ổng chết sớm”. Tận trong lòng tôi có hơi bất nhẫn mẹ chồng tôi, tôi nghĩ bà hơi vô tình. Tôi nghĩ mẹ ruột tôi, một người đàn bà chân quê sẽ phê phán mẹ chồng tôi. Nhưng mẹ tôi lại bình thản nói: 

• Chị Tư là một người thành thật khi nói vậy. Hồi anh Tư còn sống, ngó lơ thì chị sợ sổng mất anh. Theo canh hoài thì mỏi mệt. Một người có ăn có học, ham đàn ham hát mà sống với một ông gốc ruộng đồng thành ra nó tréo que. Bây giờ sống không còn được bao lâu, chị Tư được sống theo ý mình thì chị thấy thoải mái là phải rồi…chị cũng đâu cần giả bộ buồn, giả bộ tiếc thương với ai… 

• Vậy mà con tưởng
CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.