.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Bốn mươi năm cuộc tình



Ngày xưa, các cụ thường nói “ khôn ba năm, dại một giờ ” để cảnh giác các cô con gái phải thận trọng, đừng để bị sa ngã trong một phút yếu lòng. Thật ra câu thành ngữ đó phải được dùng để khuyến cáo cả hai phái, nam cũng như nữ, bởi vì không chỉ bọn con gái mới có những phút yếu lòng, bọn con trai chúng tôi lòng dạ cũng có khi mềm yếu lắm, nhất là khi đứng trước người đẹp, mặt cứ khờ đi, bao nhiêu khôn ngoan đều biến mất hết.  Nếu bảo như thế là dại gái, thì tôi đã dại gái từ thuở còn nhỏ, chơi chung với bọn con gái bên hàng xóm, bị chúng nó bắt nạt, phải đứng quay dây cho tụi nó nhảy, quay mỏi cả tay mà chẳng dám phàn nàn, thật đúng là ngốc.

   Lên chín, mười tuổi, cả bọn rủ nhau đi tắm sông, tôi và thằng bạn đã hì hục mất cả buổi để làm bè chuối cho bọn con gái làm phao, lại còn phải tập cho chúng nó bơi nữa.  Thế mà có được ơn nghĩa gì đâu? lúc về còn bị cha mẹ chúng nó mắng là đầu têu, chơi trò nguy hiểm, thật chẳng có cái dại nào bằng.  Ấy thế mà đâu có chừa, những lần đi hái trộm trái cây, bọn con trai chúng tôi xung phong leo cây, bẻ trái ném xuống cho bọn con gái đứng chờ ở dưới đất chỉ việc hứng, và tha hồ chọn trái ngon, ăn thỏa thích..  Bọn tôi có công nhưng lại phải ăn sau, ăn thừa.  Có lần bị chủ nhà trông thấy, tụi nó hè nhau chạy trước, báo hại bọn tôi còn ở trên cây, luýnh quýnh mãi mới tụt xuống được, chạy tập hậu, bị chó rượt gần chết, vấp té mấy lần sưng u cả trán, đúng là:
Vì nàng anh phải chịu đau
Vì nàng anh phải qua cầu đắng cay

Lớn lên chút nữa, thuở học lớp đệ ngũ, đệ tứ, tôi mê mấy cô bạn cùng lớp, nên tình nguyện làm một tên hầu hạ điếu đóm, để các cô sai vặt.  Ở nhà, tôi là thằng chúa lười, chẳng bao giờ làm gì động đến móng tay, thế mà đến trường, tôi trở thành một đứa ngoan ngoãn dễ bảo, sốt sắng làm tất cả mọi việc các nàng nhờ vả, làm luôn cả bài tập cho các nàng nữa.  Ở nhà, tôi là một ông tướng hét ra lửa, mửa ra khói, thế mà đối với các người đẹp, tôi nhũn như con chi chi.
Chả biết con chi chi là con gì, hình thù như thế nào, chỉ biết con tim cũng như lòng dạ tôi đều mềm yếu lắm, chỉ cần người đẹp ban cho một nụ cười, một tia nhìn say đắm - thật hay giả khó biết - thì bảo cái gì mà chẳng nghe, bảo lao vào lửa cũng sẵn sàng.  Thì ra trong người tên đàn ông nào cũng có một tí máu anh hùng, anh hùng rơm hay anh hùng thật đều thích ra tay nghĩa hiệp để che chở, phục vụ cho phái yếu, nói một cách nôm na là nịnh đầm!  Sau này về già, nghĩ lại thấy những trò nịnh đầm sao mà giả dối, vô lý hết sức, tại sao các bà cứ thích khen để chúng tôi phải biến thành những tên nói dối?  Mặc một cái áo sặc sỡ như người lên đồng, trông nhức cả mắt, thế mà vẫn phải khen rằng:
- Áo em đẹp lắm, nhìn vào anh thấy cả một mùa xuân!
Chải kiểu tóc gì bù xù trông giống cái bờm con sư tử, vẫn phải khen rằng:
-Tóc em như mây trời bay, bay vào lòng đời…
Ôi! thật tội nghiệp cho các bà, chỉ thích nghe những lời giả dối, chẳng có bà nào chịu khó phân tách xem những lời khen đó bao nhiêu phần trăm là sự thực? Thôi cũng được đi, khen để các bà vui lòng thì tội gì không khen, vì lời khen đâu có mất tiền mua.  Thế nhưng đi mua sắm với các bà thì thật là khổ, đàn ông chúng tôi phải ôm đồm đủ mọi thứ, kể cả việc mang, xách, khuân vác lẫn việc trả tiền, các bà đi người không, tay chân thừa thãi thế mà có cái cửa xe cũng phải đợi chồng mở dùm rồi mới chịu chui vô, thế có vô lý không? Chả trách người Mỹ đã xếp đặt thứ tự ưu tiên:
   -Thứ nhất đàn bà
   -Thứ nhì trẻ em
   -Thứ ba là chó
   -Thứ tư mới đến đàn ông
Ở nước Mỹ, đàn ông chúng tôi phải đứng sau chó, thật tội nghiệp. Than ôi! cái thời “ tam tòng tứ đức, phu xướng phụ tùy ” nay còn đâu?   

Muốn làm một người đàn ông ga lăng không dễ đâu nhé, trước hết phải học cái tính kiên nhẫn, không được tỏ ra sốt ruột, khi phải chờ người yêu trang điểm, không hiểu họ tô vẽ gì trên mặt mà lâu còn hơn hoạ sĩ sơn vẽ một bức tranh?  Xong mục trang điểm, còn đến mục làm tóc và chọn quần áo, nàng tần ngần đứng trước cái tủ đầy nhóc quần áo mà than rằng:
- Hết áo mặc rồi!
Vào tiệm ăn thì phải  kéo ghế cho nàng ngồi trước, rồi mình mới dám ngồi.  Hẹn hò, các nàng thường đến trễ cả mấy tiếng không sao, mình lỡ kẹt xe trễ độ nửa giờ là có chầu năn nỉ gãy lưỡi, ai bảo làm đàn ông là sướng?
   
  Lạ một điều là biết mình bị thiệt thòi, thế mà cái lũ đàn ông dại khờ vẫn cứ chạy theo người đẹp, cam tâm tình nguyện để cho các nàng bắt nạt, bởi vì không có các nàng thì cuộc đời còn chi là hương vị? Tôi nhớ hồi học lớp đệ nhị, thi lục cá nguyệt môn toán, thấy cô bạn ngồi kế bên mặt buồn rười rượi, loay hoay hết cắn bút lại thở dài thì biết ngay cô nàng tìm không ra đáp số, thế là tôi động lòng trắc ẩn, nổi máu yêng hùng, ném bài giải cho nàng chép.  Không may, bị thày giáo bắt được, thế là bị số không điểm thi, và phải đi   “công si ” ngày chủ nhật.  Kết quả là cuối học kỳ năm đó, học không dốt mà vẫn bị đội sổ, anh chàng hiệp sĩ mặt dài thuỗn, buồn tình ca bản “ ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu? ” Dễ thương quá là tuổi hồng, thời học trò.

   Tuy nhiên không phải bọn trai mới lớn chúng tôi đứa nào cũng khờ khạo cả đâu, có khối đứa cũng khôn lanh ra trò, trong số này đáng kể phải là thằng Đức, bạn thân của tôi.  Tên này ngoài bộ mã đẹp trai, lại nổi tiếng hào hoa, ga lăng như tài tử xi nê, bạn gái quen thân hay sơ đều được hắn tặng những món quà sang trọng, chủ yếu là những bó hoa thật đẹp, thật đáng giá, các cô cảm động là cái chắc.  Giá hoa dạo đó rất đắt, bọn tôi lé mắt, phục hắn sát đất, tưởng đâu hắn phải là một công tử nhà giàu, con cái của ông to bà lớn nào đó, mới dám xài sang như thế.  Nào ngờ, điều tra ra mới biết cha hắn chỉ là một tiểu công chức, gia cảnh nhà hắn cũng thường thường bậc trung như chúng tôi vậy, còn hắn chỉ là học trò, chưa làm ra được đồng nào.  Có lần không ngăn được tò mò, tôi hỏi:
-Tiền ở đâu ra mà mày dám chơi ngông?
Hắn do dự một hồi, rồi làm thinh không chịu trả lời, tôi năn nỉ mãi, sau cùng hắn bắt tôi phải hứa “ sống để bụng, chết đem theo, không được hé môi cho bất cứ ai. ”  Điều kiện nào mà tôi chả chịu? sau khi nghe tôi thề bán mạng, hắn mới yên lòng, ghé tai tôi thì thầm tiết lộ bí mật:
- Tao đâu có mất tiền mua? có cả một kho hàng vô tận… 
- Nhà mày trồng hoa à? hay có cửa tiệm bán hoa?
- Làm gì có!
- Thế… hoa tặng người đẹp, mày lấy ở đâu ra?
Hắn tủm tỉm cười ruồi:
- Đừng hỏi nữa, cứ đi theo tao khắc biết!
Nó dắt tôi vào… nghĩa trang, nhìn quanh quẩn một hồi rồi mới bước tới trước một ngôi mộ xây cất có vẻ cầu kỳ, sang trọng, nó chắp hai tay lại khấn vái một cách rất thành khẩn:
- Kính chào ông bác không quen, cháu mạo muội xin ông bó hoa này, ông ở dưới đó chắc không cần tới hoa đâu, để lâu nó héo đi uổng lắm, cho cháu, cháu sẽ dùng được khối việc và cháu rất cám ơn ông.  Cầu chúc cho ông được thảnh thơi an nghỉ.
Nó vái vái thêm mấy cái nữa, rồi thản nhiên cầm lấy bó hoa rất đẹp đem đi, nghĩa trang nhà giàu có khác, toàn là những loại hoa hiếm, quí. Tôi há hốc miệng, không tin những gì mình vừa trông thấy, thật khó mà tưởng tượng được ở đâu ra hắn lại có cái sáng kiến rùng rợn đó?  Lúc ra về tôi mỉm cười nghĩ thầm, không biết những người đẹp của hắn có còn cảm thấy romantic nữa không, nếu biết rằng những bó hoa rất đẹp kia - được hắn đem về lộng giấy bóng kính và cột nơ rất mỹ thuật - được lấy trộm từ nghĩa địa? Thằng bạn ma lanh không hiểu về sau có tán được người đẹp hay không? Nhưng tôi thì rút ra được một bài học: các cô có bạn trai còn là học trò, mà lại muốn lãng mạn như trong xi nê, có chàng quì gối dâng hoa, xin hãy coi chừng có ngày bị lạnh xương sống!
Giữ lời hứa với Đức, tôi tuyệt đối giữ kín bí mật của hắn cho tới giờ này, nghĩa là hơn bốn mươi năm sau.  Bây giờ đầu đã hai thứ tóc, đã qua rồi cái thời cua đào tán gái, có tiết lộ ra hắn cũng chẳng cần, phải không Đức?  Ôi! kể làm sao hết những nghịch ngợm dễ thương của thời học trò, những ngày xưa thân ái đó, đã lưu lại trong ký ức tôi nhiều kỷ niệm khó quên, cái dĩ vãng dấu yêu đó, mỗi khi gợi lại đều làm tôi cảm động.

  Thuở đó tôi chỉ biết si chứ chưa biết yêu, si thì tôi đã si nhiều người, nhưng yêu thì chỉ yêu có một người thôi, người ấy chính là em.
 Tôi gặp em trong phòng triển lãm tranh của hoạ sĩ Đức Tuấn, ngày đầu khai mạc nên đông lắm, người ra vô tấp nập.  Em tới trễ, khi em bước vào, căn phòng như sáng rực lên, tà áo xanh và khuôn mặt ngây thơ, xinh đẹp của em làm tôi bị hớp hồn ngay tức khắc.  Dạo đó em mới mười sáu tuổi thôi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Vô tình em đứng ngay trước mặt tôi, tôi hỏi chuyện làm quen:
- Thưa cô, cô đi xem tranh à?  Phòng đông quá, trời ơi là chen…
Em đáp:
- Vâng, đông quá!
Vô tình lời đối thoại của em và tôi đều gần giống như trong bài thơ Đi Chùa Hương, cả hai cùng bật cười lên một lúc.  
Tôi tán:
- Trông cô hơi quen quen, hình như có gặp ở đâu rồi?
Em tròn cặp mắt nai tơ, ngước lên chờ đợi… Tôi vờ suy nghĩ, rồi à lên một tiếng:
- Phải rồi, gặp ở cổng trường Trưng Vương! tôi đi đón em tôi…
Em lắc đầu:
- Em đâu có học Trưng Vương.
- Tôi nhớ lộn, trường Gia Long?
Vẫn lắc đầu.
- Trường Cô Giang? Hưng Đạo? Lê Văn Duyệt? Huỳnh Khương Ninh? Marie Curie? Lê Bảo Tịnh?
Em cười tủm tỉm:
- Anh có nhiều em gái quá nhỉ? hay anh là thanh tra học chính mà sao trường nào anh cũng tới?
Câu hỏi sao mà ác, còn nhỏ mà đã biết kê tủ đứng, tôi còn đang lúng túng, thì em đã tiếp tục:
- Thế anh đã tới Cà Mau chưa?
Mắt tôi sáng lên:
- Vậy ra cô là học trò trường Cà Mau?
Em mỉm cười, đôi má núm đồng tiền rất xinh:
- Không phải, em chỉ nói đùa thôi.
- Thế cô học trường nào?
- Để cho anh đoán!
Nói xong em bỏ ra về, để tôi ngẩn ngơ.  Người đâu mà ác gớm! làm tôi phải mất mấy tuần mới tìm ra chỗ ở của em.  Đừng hỏi bằng cách nào tôi tìm ra được? khi người đàn ông đi tìm nửa mảnh kia của mình, thì có ngại gì khó khăn?

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì với nhau

Mới gặp một lần mà đã tương tư, những đêm không ngủ, những chiều lang thang trên hè phố… nhìn đâu cũng thấy bóng hình em. Tôi đến tìm em nơi trường em đang ở nội trú, trường Regina Pacis, một trường nữ, dòng Công giáo, kỷ luật rất nghiêm minh.  Tôi vẫn chưa được biết tên em, nhưng mặc kệ, tới đâu hay tới đó, tôi liều rồi…
- Cậu đi thăm ai? Bà sơ hỏi..
- Em tôi!
- Cô ấy tên gì?
Tôi lúng túng, may sao trời xui đất khiến, vừa lúc đó thoáng thấy bóng em đang bước trên hành lang, tôi mừng rỡ kêu lên:
- Nó kia kìa! cô học trò mặc áo đầm trắng đang bước lên thang lầu đó, chắc nó chưa trông thấy tôi.
- À con bé Thiên Nhiên đó hả? Thôi được rồi, cậu ngồi chờ để tôi đi gọi nó.
Tôi ngồi xuống mà tim đập rộn ràng. Thiên Nhiên! tôi biết tên em rồi nhé? bí mật mãi, tên em đẹp lắm, dễ thương lắm, đẹp và dễ thương như con người của em vậy.  Không hiểu sao em có một sức thu hút lạ lùng khiến tôi mới gặp một lần mà đã tương tư, còn em, không biết em có còn nhớ cái lần gặp gỡ định mệnh đó không? hay đã quên rồi, bởi vì em chỉ coi tôi như một bóng người qua đường?
Tôi hồi hộp vô cùng, mỗi phút qua đi lâu như một thế kỷ, tôi sốt ruột nhìn đồng hồ, đã hơn nửa giờ rồi, sao lâu quá, hay là em không muốn gặp tôi?  Phòng đợi, khách khứa ra vô tấp nập, một cô gái ngồi gần tôi nãy giờ vừa tiễn người nhà ra cửa, quay vào, cô ta dừng chân ngay trước chỗ tôi đang ngồi, nheo mắt một cách khôi hài:
- Có thật anh là anh của Thiên Nhiên không đấy?
- Tại sao cô lại hỏi tôi như thế?
- Tại vì… Cô ta mỉm cười, tôi chính là em gái của Thiên Nhiên đây!
Tôi giật mình ngồi thẳng lên, mặt đỏ bừng bối rối, mắc cở như một tên đang ăn vụng bị bắt quả tang, tôi chỉ muốn độn thổ.  Nhưng khi ngẩng lên bắt chợt nụ cười ma mãnh của cô nàng, tôi thở phào:
- Cô đừng có rỡn!
Cô ta vẫn chưa buông tha:
- Ô hay, anh nói thì tôi tin, còn tôi nói thì anh bảo là rỡn?  Ở đời có chuyện lạ chưa? anh em một nhà mà không nhận ra nhau? 
Thấy mặt tôi thộn ra, khờ khạo quê một cục, cô ta thương hại:
- Nói đùa thôi, tôi là bạn thân của Thiên Nhiên cả mấy năm nay, tôi biết nó làm gì có anh, chỉ có hai em gái và một đứa em trai còn nhỏ.  Này, thú thật đi! có phải anh si tình nó không? hối lộ cái gì, tôi sẽ làm mai cho. 
Tôi cười ngượng nghịu:
- Tôi nghĩ chẳng cần đâu, chịu các cô là tinh quái.
Tới đây thì có tiếng chân đi nhẹ nhàng trên hành lang, rồi cửa bật mở và hai người xuất hiện cùng một lúc: bà sơ giám thị và Thiên Nhiên!
Tôi đứng bật dậy, trong khi bà giám thị quay sang Thiên Nhiên:
- Cậu ấy chờ đã khá lâu rồi đấy!
Tôi nhìn chăm chú, em đã thay y phục khác, quần jean trắng, áo pull bỏ ngoài màu vàng nhạt, tóc em mượt mà buông xõa bờ vai, ôm khuôn mặt trái soan trắng mịn, em xinh như một nụ hồng.  Em nhìn tôi với một vẻ láu lỉnh, rồi rất tự nhiên, em reo lên:
- Ô kìa anh Ba ( em cũng chưa biết tên tôi ) anh tới hồi nào?  Hai bác vẫn khỏe cả chứ? Bữa nay ba má em bận, không đến đón em được à?
Em hỏi dồn dập để che dấu bối rối, hỏi mà cũng chẳng cần nghe trả lời, lúc đó chắc em cũng hồi hộp lắm.  Hỏi xong, em quay sang bà giám thị, ngập ngừng nói dối:
- Thưa sơ! đây là người anh con bác ruột của em.
- Cậu đến thăm thôi, hay là..?
- Dạ thưa sơ, tôi vội vã nói, ba má của Thiên Nhiên bận nên nhờ tôi đến xin phép sơ để đưa Thiên Nhiên đi phố một lúc.
- Được, tôi cho phép, nhưng có đi đâu thì phải về sớm trước 8 giờ tối.
- Dạ!
Bà sơ giám thị vừa đi khỏi, tôi nhìn em đắm đuối, em lườm tôi bằng con mắt có đuôi:
- Sao liều thế?
- Không liều sao gặp được em? người đâu mà ác gớm!
Em cười, cặp mắt long lanh và đôi môi mọng, xinh quá sức:
- Em đâu có ác, không thấy là hồi nãy em đã vì anh mà nói dối ma soeur đó sao? Em chưa nói dối bao giờ…
Lòng tôi như nở hoa, thì ra em đâu có vô tình, cô bé trông tẩm ngẩm, tầm ngầm mà tình tứ ra phết.  Tôi cười thật rạng rỡ:
- Cám ơn em, thế là anh đã được đền bù.
Rất trân trọng và dịu dàng, tôi nắm lấy tay em đưa ra khỏi cổng trường, thế là bắt đầu một cuộc tình…

Năm năm sau, cô bé lần đầu biết nói dối đó trở thành vợ tôi.
Trước đám cưới một hôm, tôi cùng nàng đi ký giấy hôn thú ở Toà Thị Chính.  Ra về, tên bạn thân nhất của tôi đi theo để làm nhân chứng, đã ghé vào tận mặt tôi, cười chế diễu:
- Mày khôn ba mươi năm, chỉ dại có một phút thôi, đó là cái phút vừa rồi.  Tại sao mày lại ký tên vào tờ giấy đồng ý để mất tự do, cam tâm tình nguyện làm người tù chung thân của bà ấy?
 Tôi chỉ cười cười, không đáp, rồi nó sẽ hiểu khi đến luợt nó, đố tránh khỏi, bởi vì có ai mà chẳng phải qua cầu?  Nói một cách công bằng, ở đời cái gì cũng có vay có trả, mất cái này thì sẽ được cái khác bù lại, mảnh giấy hôn thú không đơn thuần chỉ là bản án tù chung thân, mà còn là giấy phép để mở cổng thiên đàng.  Sau đám cưới, chúng tôi có hai tuần trăng mật thần tiên ở thành phố Đà Lạt mộng mơ, sau đó trở về tổ ấm riêng, chúng tôi đã sống những ngày thật hạnh phúc. 
Bốn đứa con theo nhau ra chào đời: hai trai, hai gái đều thông minh, ngoan ngoãn và xinh đẹp.  Căn nhà ngăn nắp, sạch sẽ lúc nào cũng rộn ràng những tiếng nói cười vui vẻ, căn bếp ấm cúng với những bữa ăn ngon nàng nấu cho chồng con, quanh năm bốn mùa chúng ta sống thật hạnh phúc.
   Thời gian trôi, theo với năm tháng, hai vợ chồng cùng già đi, em bây giờ không còn là một cô bé đỏm đáng ăn diện theo đúng mốt thời trang, người em hao gầy vì thức đêm những năm tháng dài em nuôi con bằng sữa mẹ, em không có thì giờ để đến mỹ viện chải tóc, làm đẹp vì thì giờ của em là để săn sóc chồng con.  Nhưng không phải vì thế mà em kém đẹp, dưới mắt tôi, em còn đẹp hơn xưa, vẻ đẹp cao quí của người vợ hiền. Tôi bây giờ cũng thay đổi nhiều, không còn là một chàng trai trẻ trung, hào hoa hay nịnh đầm như thuở mấy chục năm về trước, lời nói đôi khi gắt gỏng, mong em hiểu cho là vì công việc ở sở quá căng thẳng.  Cũng có đôi lúc tôi lại hay bay bướm, nhưng đó là bản tính tự nhiên của người đàn ông, tôi chỉ nói lăng nhăng cho vui, chứ chưa bao giờ phản bội em cả.
- Em đừng giận, anh thề là không có tình ý với ai khác, anh mà nói dối thì…
- Thôi đừng thề.
- Thế em có tin anh không?
Em lắc đầu:
- Những kẻ làm quấy đều sẵn sàng thề là mình vô tội, em đâu có ngu gì mà tin?
Nói thế, nhưng em vẫn vui vẻ, làm như đó chỉ là chuyện đùa.  Em khôn lắm, chính sự dịu dàng và đức bao dung của em làm tôi cảm động, và tôi biết là mình đang có trong tay một viên ngọc báu, nên tôi đã hết sức cưng quí, nâng niu, giữ gìn...
  
Thời gian vẫn trôi, các con đã đỗ đạt thành tài, và có gia đình riêng cả.  Ngoảnh đi, ngoảnh lại, chúng ta đã già, răng chưa long, nhưng đầu đã hai thứ tóc, tôi ngoài bảy mươi còn em cũng hơn sáu chục.  Chúng ta đang ở vào mùa thu của cuộc đời rồi, nhưng mùa thu vẫn còn đẹp lắm, phải không em? Thời gian đâu có ảnh hưởng đến tình yêu của chúng mình, tôi chợt có ý nghĩ ngộ nghĩnh, so sánh em 16 tuổi khi xưa và em 61 tuổi bây giờ, cũng không có gì khác biệt cả, bởi vì tình yêu tôi dành cho em lúc nào cũng như thuở ban đầu, không bao giờ thay đổi.  Đối với tôi, dù ở tuổi nào, em cũng vẫn là một người tình say đắm, em lúc nào cũng chiếm một địa vị độc tôn trong tim tôi.
  
Theo với tháng năm, chúng ta cùng già đi, nhưng vợ chồng lấy nhau càng lâu thì tình càng nặng, nghĩa cũng thêm sâu.  Những buổi sáng êm đềm, cùng ngồi uống trà bên nhau, chúng ta mắt vẫn nhìn mắt, tay vẫn nắm tay. Mắt nhìn không còn đắm đuối, nhưng chan chứa thương yêu ân tình, và tay vẫn nắm tay khắng khít, chúng ta sung sướng cảm thấy sự hiện diện của người nọ đối với người kia là cần thiết, là quí báu.  Xin cám ơn Thượng đế đã cho chúng ta còn đủ cả đôi ở cái tuổi này.

Thiên Nhiên ơi!
Hôm nay là kỷ niệm bốn mươi năm ngày cưới của vợ chồng mình, anh muốn nói với em tất cả những cảm nghĩ của anh, sau bốn mươi năm cùng em sánh vai đi chung trên con đường đời.  Bốn mươi năm qua nhanh như một giấc mơ, chúng ta đã có với nhau bao nhiêu kỷ niệm vui cũng như buồn, kỷ niệm nào nhắc đến cũng làm anh cảm động….. 

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, em lúc nào cũng sát cánh bên anh, nâng đỡ, an ủi, chia xẻ… và chúng ta đã dìu dắt nhau vượt qua bao nhiêu chông gai, sóng gió.  Bên em, anh luôn luôn có cảm giác êm đềm, yên ổn và sung sướng, anh cảm nhận được tình yêu sâu đậm em dành cho anh, những nhọc nhằn, hy sinh em đã chịu, và những ngọt bùi em đã cùng anh chia xẻ. Tuy rằng cuộc sống cũng như thời tiết, có những lúc mưa thuận gió hòa, cũng có những lúc phong ba bão táp, nhưng nhờ vào tình yêu chân thành, cùng với những quyết tâm cố gắng, chúng ta đã vượt qua tất cả, và con thuyền hạnh phúc vẫn vững vàng, êm ái suôi dòng.  Hôm nay ngồi nhớ lại quá khứ, quãng đời bốn mươi năm chúng ta đã trải qua bên nhau, anh không khỏi cảm động.  Xin cám ơn em đã cho anh hạnh phúc mật ngọt của tình yêu lứa đôi, xin cám ơn Thượng Đế, anh đã có em là người tình trăm năm.



Phương Lan
(Trích trong tác phẩm cùng tên )


HOA HỒNG TRẮNG ĐÊM GIÁNG SINH




Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

MÊ TÍN DỊ ĐOAN CẦN LOẠI BỎ




Người viết mạn phép trích dẫn lời giảng giải của sư Thích Diệu Không, nhân kỳ viếng thăm chùa Ba Vàng ngày 27/10/2018 vừa qua với vài bổ túc ý kiến cá nhân nhằm mục đích truyền bá rộng rải trong cộng đồng người Việt khắp thế giới về tệ nạn đốt vàng mã tại Việt Nam hiện nay...

Cuối tháng 10 năm 2018 chúng tôi có dịp viếng thăm chùa Ba Vàng nằm ở phía bắc thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự 寶光寺) là một ngôi chùa nằm trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659 - 1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13.

Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư để bành trướng. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng. Các thầy ở chùa rất chân tình và thật gần gũi với người hành hương. Người Phật tử có cảm giác như mình được về nhà. Cảnh quan chùa rất nghiêm trang, không có người hành khất hoặc các hàng bán rong làm mất thẩm mỹ cảnh chùa. Bước vào cổng chùa chúng tôi gặp ngay một sư cô và khi ta trò chuyện ít lâu chúng tôi có cảm tưởng như đang nói chuyện với người thân trong gia đình. Cách tổ chức cho những người đi lễ lần đầu như chúng tôi của nhà chùa rất ấn tượng tuyệt vời. Cám ơn các thầy trụ trì. Cám ơn các tăng và cám ơn các đạo tràng đã rất chu đáo cho từng chút của chùa xanh, sạch, đẹp và trang nghiêm. Chúng tôi cầu mong sao đây mãi là ngôi chùa kiểu mẫu của nước Việt Nam. Xin Phật ban sức khoẻ cho các thầy, các tăng và các sư cô.

Chùa rất đẹp và sạch sẽ hiện vẫn còn tiếp tục quá trình xây dựng. Vì chùa nằm trên lưng chừng núi, đứng trên cổng chính có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Uông Bí, chùa được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, cơm chay ở chùa rất ngon. Chùa rất đẹp nhất là vào buổi tối. Ở đây điểm đặc biệt là rất thanh tịnh không hàng quán không kinh doanh buôn bán bất cứ cái gì ngay gửi xe cũng miễn phí.

Khác với những ngôi chùa hay đền thờ mà tôi viếng thăm trước đó là việc đốt vàng mã ở nơi đây hầu như không hiện hửu. Cũng như vài ngôi chùa hiếm ở Hà Nội như chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá hay chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh có phải yết biển “Không đem vàng mã vào chùa” thì rõ ràng là không ai có thể đồng tình với thói mê tín dị đoan này.
Hàng năm vào những dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, lễ Thanh Minh, ngày rằm tháng bảy hay lễ Vu Lan để xá tội vong thân, đám giỗ người thân trong gia đình, v.v...người ta hay đốt vàng mã tưởng chừng như một tục lệ bình thường. Nhớ người đã khuất hay thương xót kẻ không còn trên thế gian không những là nét đẹp của văn hóa Việt Nam mà còn là một sự tôn trọng tình người, đề cao nhân nghĩa của người sống. Tuy nhiên vấn đề ở đây là thời gian càng phôi phai thì càng có người lợi dụng, dùng nó như một chiêu bài cho mê tín dị đoan, được lồng vào tín ngưỡng. Từ lâu tín ngưỡng và mê tín thường có ranh giới không rõ rệt, dễ làm nhiều người ngộ nhận nên rất dễ bị lợi dụng làm điều không tốt. Trong đó tục đốt vàng mã là một. Chưa ai chứng minh được rằng có người từ cõi chết trở về. Cũng chưa ai chứng minh được cái áo bằng giấy đốt đi lại thành áo thật. Đến cửa Phật cũng phải bài trừ tục mê tín ấy.

Lúc còn bé tôi đã nghe truyền thuyết dân gian nói rằng “Trần sao Âm vậy” nên chúng ta đốt vàng mã để gửi người âm phủ được dùng; cũng có người nói rằng các tổ tiên đều làm như vậy nên chúng ta bắt chước làm theo cho yên tâm...Hoặc có người vì thấy bà con hàng xóm mua về đốt thì mình cũng phải đốt kẻo bị họ chê trách là mình không thương các cụ. Lại còn có người bảo rằng tại vì con vụng về khấn vái nên phải nhờ vàng mã sớ tâu giùm lên Phật để các ngài thương mới chứng cho...

Như vậy quan điểm nhà Phật về vấn đề này như thế nào nhĩ? Tại sao là như vậy. Chúng tôi tò mò đi tìm các sư trong chùa Ba Vàng để trò chuyện thì được sư Thích Diệu Không giảng giải và được hiểu vấn đề như sau.

Thời thượng cỗ ở TQ cách đây 4 700 năm tức 2 682 năm trước CN, người TQ dùng gỗ để quấn người chết rồi quăng vào rừng cho rả ra. Trong khi đó ở Ấn độ có phong tục thủy tán có nghĩa là liệng người chết xuống sông Hằng hay cho đà điểu ăn gọi là Điểu tán. Một vài bộ tộc bên Ấn độ và TQ thời bấy giờ có tục ướp xác rồi quấn bằng cây gỗ để giữ xác lâu hơn. Cho đến đời vua Hiên Viên, vua nghĩ là dân chúng nên tôn trọng và biết ơn người chết hơn nên cử quan thần nghĩ ra cách làm cái hòm bằng gỗ với 6 miếng. Từ đó người giàu có TQ quan niệm nên biết ơn người đã khuất bằng cách khi liệm xác chết vào hòm, người ta để vào vật khí mà khi còn sống người ấy rất thích như cây vùi, cây đàn, ống sáo, v.v...(minh khí) vào chung hòm với người mất.

Đến đời nhà Hạ tức 2 205 năm trước CN, người ta mới nghĩ thêm việc đải tiệc trước khi an táng người mất. Người ta cũng chôn theo minh khí với người chết để họ có thể xài dưới âm phủ.

Mãi cho đến đời nhà Chu tức 1 211 năm trước CN, người quí phái, quan lại và vua chúa nghĩ ra hủ tục là chôn đồ thật như vàng bạc cùng với người chết. Người bình dân nghèo không có tiền bạc thì phải chôn đồ giả. Một ít lâu sau vua Chu đưa ra chiếu chỉ ra lệnh cho quan lại và nhà quý phái phải chôn theo những gì mà người mất thích ngay cả phu nhân họ, người hầu hay con cái. Cách chôn sống kiểu này quá tàn nhẫn vì người thân có tôi vạ gì mà phải chôn sống chung với người chết. Dần dần hủ tục bị chống đối kịch liệt cho đến thời nhà Đường khoảng 1000 năm trước CN thì người ta phát minh ra giấy. Từ đó người ta mới làm hình nộm để chôn theo người chết tức tục vàng mã bắt đầu từ đấy.

Như vậy rõ ràng việc đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc cách đây hơn 1000 năm trước CN. Như kể trên, qua các thời vua chúa phong kiến, khi chết vua chúa quan lại người giàu quý phái cho chôn theo mình vàng bạc của cải, kẻ hầu người hạ thậm chí cả vợ con nữa để mong được tiếp tục cuộc sống vương giả ở thế giới bên kia. Việc làm này của tầng lớp vua chúa dần dần lan rộng đến dân chúng và trở thành một tập tục. Song đa số dân chúng đều nghèo khó, lấy đâu ra vàng bạc của cải, kẻ hầu người hạ để chôn theo. Đến đời nhà Đường (1000 năm trước CN) mới có giấy. Từ đó mới nảy sinh ra việc làm hình nhân giấy thế mạng, làm vàng mã thay cho của cải thật. Rồi từ việc phải chọn các thứ đó theo cũng có nhiều phiền phức lại hao tốn đất đai canh tác mới dần chuyển sang hình thức đốt hóa vàng mã cho người đã mất với niềm tin rằng họ sẽ hưởng dùng được những thứ đó bên kia thế giới. Song thật sự họ có dùng được những thứ này hay không?. Như chúng ta đã biết dù chôn theo vàng bạc của cải thật thì khi khai mộ cải táng, thấy rõ các đồ vật này đâu vẫn hoàn đấy, có chăng thì chúng bị hư mòn bởi thời gian mà thôi, chứ đâu phải do người chết lấy tiêu dùng. Của cải thật mà còn như vậy huống chi là đồ mã lại còn đem đốt hóa thành tro tàn mây khói. Khi vô lý hơn là chúng ta đem đốt xe ô tô, xe máy, tủ lạnh hay tivi...để cho người mất dùng, song họ sẽ dùng thế nào đây? Chúng ta đốt ô tô xe máy mà chẳng đốt xăng dầu, đốt tivi, tủ lạnh mà không đốt điện xuống âm phủ thì thử hỏi làm sao họ có thể dùng được chăng? Nếu bảo trần sao âm vậy thì thì ta phải làm đầy đủ các thứ đó mới được. Lại còn một thực tế nữa là ông bà tổ tiên chúng ta xưa kia đi chân đất guốc mộc, ngồi xe ngựa, xe trâu nên xe đạp có khi còn chưa biết lái huống nữa là xe ô tô, xe Honda Dream...Do đó nếu muốn thì chúng ta phải đốt thêm sách hướng dẫn sử dụng, bộ luật giao thông và cả bằng lái xe nữa chứ. Nói như vậy chứ nếu chúng ta thực sự làm tất cả thứ này thì mấy nhà làm hàng mã mà nghe được sẽ làm giàu to. Có thể họ sẽ tiếp tục làm thêm ra đủ các thứ lệ bộ nói trên và yêu cầu bà con phải mua cho đủ mới được. Như vậy thì chúng ta sẽ bị mắc lừa to bởi chúng ta sẽ bị mắc lừa bởi các nhà sản xuất hàng mã rồi. Và buồn hơn là chính chúng ta tự lừa dối chúng ta bởi cái tư tưởng trần sao âm vậy đó...

Thứ hai là việc đốt tiền âm phủ. Việc này còn phi lý hơn cả việc đốt mã nói trên nữa. Thực tế thì trên thế gian này nước nào thì dùng tiền tệ hợp lệ in ra bởi chính phủ của quốc gia đó mới gọi là tiền hợp pháp. Vậy thì tiền chúng ta in ra trên trần gian phát hành xuống âm phủ là hơp pháp hay sao. Lỡ tiền chúng ta in ra chẳng đúng với tiền âm phủ thì ông bà chúng ta sẽ bị vi phạm luật pháp âm phủ vì tội tiêu tiền giả phải không? Còn nếu hàng năm quả thật vua Diêm vương có lên trần gian vào từng nhà sản xuất làm vàng mã đặt in tiền cho âm phủ thì chúng ta khả dĩ tin được việc này. Song chúng ta tin chắc chẳng có ông chủ hàng mã nào được vua Diêm Vương đến nhà đặt in tiền cả. Trên thực tế các nhà sản xuất vàng mã đều tùy theo thị trường mà họ in ấn. Ngày xưa đồng tiền âm phủ có in hình vua Diêm Vương mặc dù họ chẳng bao giờ biết mặt ông Diêm Vương ra sao cả. Gần đây khi nền kinh tế mở cửa, thấy đồng đô la có giá trị thì họ đổ xô vào in tiền đô la âm phủ và tức cười nhất là đồng tiền không in hình vua Diêm Vương mà lại in hình ông tổng thống Mỹ mới chết chứ? Chưa biết chừng sắp tới họ sẽ in tiền bảng Anh với hình Nữ Hoàng hay tiền Euro để bán cho bà con nữa đấy. Trong khi đó ở ngay các nước khác người dân không có tục đốt vàng mã thì không biết thân nhân họ tiêu bằng tiền gì hay họ phải chịu mình trần nhịn đói hoặc sang nước khác để làm thuê cho ông bà tổ tiên chúng ta hay sao?. Điều này chúng ta thấy quá phi lý?

Theo sách cỗ Trung Quốc - Pháp Uyển Châu Lâm có ghi: ”Từ trước đời Hậu Hán trong việc tang ma vẫn dùng tiền bạc thật để chôn theo người chết. Đến đời Đường, ông Vương Dũ đã nghĩ ra cách dùng tiền bạc bằng giấy để thay thế. Nghề làm vàng mã đã có một thời phát triển rất mạnh, song không bao lâu người Trung Hoa lại có ý chán bỏ vì chẳng thấy hiệu nghiệm gì cả.  Vì vậy nghề nghiệp của Vương Dũ có phần mai một. Bởi thế nên con cháu của Vương Dũ cố hết sức tìm mưu kế để chấn hưng lại nghề làm vàng mã của mình. Sách Trực Ngôn Cảnh chép rằng: ” Ông Vương Luân là con cháu của Vương Dũ thời vua Ấn Đế nhà Hán đã lập mưu bằng cách bảo người bạn thân của mình giả chết. Chừng vài bữa sau ông loan tin người bạn thân đó đau bệnh đã chết. Sau đó ông lén liệm người bạn vào quan tài (quan tài có lỗ trống để bạn ông thở được). Đến ngày làm lễ đi chôn, ông Vương Luân tổ chức nhạc lễ linh đình, phúng tiếu nhộn nhịp, lại làm một hình nhân thế mạng cùng những đồ vàng mã như tiền vàng, nhà cửa, quần áo...Ông Vương Luân tự làm lễ để cầu cho người bạn được sống lại. Cúng tế xong đốt hết vàng mã, giấy tiền, hình nhân thế mạng thì linh nghiệm thay quan tài tự nhiên rung động, ai nấy đều mục kích sự kiện rõ ràng, vội cùng nhau mở nắp quan tài. Người bạn thân của Vương Luân quả sống lại được. Anh ta liền đến trước mặt Vương Luân phủ phục xuống đất và thuật lại chuyện cho công chúng nghe rằng ”Chư vị Âm Thần đã nhận được vàng mã và hình nhân thế mạng liền thả hồn về dương thế nên nay tôi được sống lại cũng nhờ ông Vương Luân đốt vàng mã và hình nhân thế mạng”. Mọi người ai cũng đều tin đây là sự thật nên đồ mã của Vương Luân từ đó hưng thịnh trở lại. Sau này do tranh chấp quyền lợi nên chính người bạn của Vương Luân đã tiết lộ âm mưu xảo trá đó của Vương Luân”. Nước Việt Nam chúng ta dưới ách đô hộ phong kiến phương Bắc cả ngàn năm nên những hủ tục này cũng dần dần ăn sâu vào quần chúng nhân dân. Tệ hơn nữa một số người hành nghề mê tín dị đoan như ông đồng bà cốt, đã kết hợp với những người cung cấp vàng mã lợi dụng lòng tin của mọi người, giả nói lời của thần linh, vong linh đòi hỏi phải đốt vàng mã càng khiến cho bà con chúng ta chìm sâu vào tục lệ này.

Cũng theo sư Thích Thích Diệu Không thì giáo lý đạo Phật tuyệt đối không có chuyện đốt vàng mã cho người đã chết. Kinh điển Phật có dạy rằng: Một người bình thường chúng ta sau khi đã chết rồi, trong vòng 49 ngày thần thức phải đi tái sinh vào một trong 6 cõi. Ba cõi trên là cõi Trời/cõi Phật, cõi Người và cõi Thần Atula; còn 3 cõi dưới là Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh (động vật). Hai cõi Trời và Thần Atula thì không dùng đến tiền bạc vì do phước báu nhiều nên họ nghĩ thứ gì liền có thứ ấy hiện ra... Hai cõi Ngã quỷ và Địa Ngục thì luôn bị hành hạ khổ sở chẳng thể có thì giờ nghỉ ngơi để mà có thể lái xe ô tô và ra ngân hàng lãnh tiền từ dương gian gửi xuống được. Nếu như phải tái sinh vào loài súc sinh (như heo lợn, gà chó chẳng hạn...) thì sau khi đó chúng ta có thấy chú lợn heo nào mặc áo hay cưỡi xe máy Honda đi chơi đâu. Còn nếu tái sinh trở lại làm người thì chúng ta biết rõ là chưa từng có ai nhận được số vàng mã mà người ta đốt cho mình cả. Sự thật thì mỗi cảnh giới của mỗi loài một khác, tùy theo nghiệp thức biến hiện. Chẳng hạn loài người thở bằng không khí, loài cá thở dưới nước, các vị Trời thấy nước là ngọc lưu ly, Ngã quỷ thấy nước là than hồng rực đỏ cháy thiêu đốt mình. Do đó chúng ta không lấy cảnh giới của loài người mà áp đặt rằng các cảnh giới khác cũng phải như vậy. Cho nên câu nói “Trần sao Âm vậy” chẳng thể đúng với lời Phật dạy. Theo các Kinh Địa Tạng, Vu Lan, Kinh A Di Đà, Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, muốn giúp cho người đã khuất siêu sinh về thế giới an lành, kẻ còn phúc lạc thì những người còn sống nên làm những việc như đến chùa thiết trai cúng dường chư Tăng, cúng dường Tam bảo, in Kinh sách băng đĩa Phật Giáo, bố thí cho kẻ nghèo khó, không sát sinh để cúng tế mà nên mua vật về phóng sinh, tu tập tụng kinh và làm các việc công đức...rồi đem những công đức đó hồi hướng cho những người đã mất thì chắc chắn họ sẽ được hưởng, tiêu trừ nghiệp chướng, được tái sinh vào cõi lành hoặc có thể siêu sinh về Tây phương Cực lạc. Còn việc đốt giấy vàng mã thì không thể giúp ích gì cho thân nhân và cho chính chúng ta được.

Ngày nay tại trong nước người ta đã đi quá đà gây lãng phí lớn, có nhà giàu xổi phất lên nhanh, ngày rằm tháng bảy, đặt hàng mã cả xe Honda Dream, tủ lạnh, tivi màu, và tiêu hàng triệu đồng để đốt đi không biết bao nhiêu giấy tốt. Tại phố cỗ Hà Nội vẫn còn phố hàng mã. Theo nhẫm tính không chính xác thì mỗi năm số hàng mã bị đốt lên đến hàng trăm tấn trên toàn nước Việt Nam trong khi các vùng xa xôi còn thiếu đói, các em bé không có giấy sách vở để viết, để đến trường học hành. Không những thế việc đốt vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường, làm xấu đi cảnh quan chốn thờ tự trang nghiêm thanh tịnh và có một số nơi ở Việt Nam đã gây ra hỏa hoạn. Đây là điều hiển nhiên vô lý khó chấp nhận.

Gia đình nào mà chẳng có những người quá cố, dù mất đã lâu hay mới đây. Gia đình nào cũng có bàn thờ với bát nhang nghi ngút. Ngay Công giáo cũng có bàn thờ của Công giáo. Tục thờ cúng tổ tiên rõ ràng là một văn hóa truyền thống đẹp, thể hiện tâm hồn người Việt tôn trọng văn hóa, tôn kính cội nguồn. Ngày Tết, rằm tháng bảy, cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát vẫn là nét đẹp. Tương tự như lễ Thanh Minh hay tảo mộ, ngày giỗ thắp hương để con cháu có dịp tưởng nhớ đến ông bà. Chỉ riêng chuyện lấy ngày này làm cái cớ mà thực hiện hành động mê tín như gọi hồn, đốt vàng mã vô tội vạ...thì không còn là lãnh vực tâm linh nữa mà đã trở thành mê tín dị đoan cần được chỉnh sửa.

Văn hóa vốn rất đa dạng, có vật thể và phi vật thể. Chúng ta cũng luôn tôn trọng mọi tín ngưỡng khác nhau. Nhưng sống trong thời đại khoa học kỹ thuật khó mà chấp nhận những điều phi lý nhân danh tâm linh được. Đứng về khía cạnh kinh tế cũng vậy, gia đình còn thiếu thốn nhiều thứ, xã hội cần tiết kiệm, bỗng dưng đốt đi bao nhiêu tiền của, giấy má đáng quý cũng khó mà đồng tình cho được.

Một nén nhang, một bông hoa nhớ đến người xưa, đó chính là văn hóa, là điều chúng ta tâm niệm về cội nguồn, về quá khứ về những công đức sinh thành ra ta và cả giống nòi Việt Nam. Vì vậy mà cần dẹp bỏ điều mê tín không đẹp, không phù hợp nữa...

Năm Mậu Tuất sắp qua đi và năm mới sắp đến, xin chúc bà con chúng ta được nhiều may mắn, sức khỏe, an vui và hạnh phúc.

Nguyễn Hồng Phúc
December 2018

TRÊN ĐỈNH TƯƠNG TƯ

Cảm tác từ ảnh của anh Cong Do



Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Người Hát Rong Trong Hầm Xe Điện Ngầm




 Con tàu TGV nối liền thành-phố Dijon-Paris ngùng tại điểm đến ga Lyon. Phú xuống xe, kéo va-li đi dọc theo hành lang ga, xuống hầm xe điện ngầm để đón xe về khách-sạn.
Chiều thứ, sáu,đang là giờ cao điểm cuối tuần nên hành khách đi lại rất đông. Phú chen đi trong dòng người vội vã, vừa ra khỏi cầu thang cuốn, anh thoáng nghe có tiếng đàn guita hòa lẫn giọng ca nam nhẹ vang lên trong góc hầm, giọng ca  tiếng Việt buồn não, lời bài ca đã lâu lắm anh mới có dip nghe lại:

Trời đêm dần tàn, em đến sân ga để tiễn người trai lính về ngàn.
Cầm chắc đôi tay, ghi vào đời tâm tư ngày nay.
Gió khuya ôi lạnh sao, vấn nhẹ đôi tà áo.
Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời
Trở gót bâng khuâng em hỏi lòng đêm nay buồn không.
Chuyến xe đêm lạnh không để người yêu vừa lòng?
Ngày tháng đợi chờ, em đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào
Tàu cũ năm xưa, mang người tình biên khu về chưa.
Trắng đêm em chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về....

Lời ca đến đây chấm dứt, giọng ca lại tiếp tục vang lên lời ca nhạc Pháp.
Ngạc nhiên và tò mò Phú tiến lần đến nơi phát ra tiếng hát. Một nhóm khách hiếu kỳ đang đứng vây quanh một người đàn ông Á-châu nhỏ con, tuổi không quá ba mươi, đôi mắt to sáng, để râu mép... nhìn chung người đàn ông không có gì cá biệt về hình dáng so với những đàn ông Châu-Á khác.. Anh đang vừa đàn vừa hát: những người khách vây quanh thích thú vỗ tay khi anh ngừng hát và lần lượt vài người bỏ tiền vào cái hộp giấy anh để dưới đất.

Phú nhìn người hát rong, anh đứng im lặng, tuy người hát rong đã đổi sang hai bài ca bằng tiếng Pháp khá lâu nhưng dường như anh vẫn còn đang nghe lời ca tiếng Việt của bài ‘Tàu đêm năm cũ’ đang thấm vào tim, vào máu, vào hơi thở của anh. Anh rẽ đám đông, tiến vào phía trong bỏ tiền vào hộp...người hát rong nhìn anh nói “Merci” như nói “Merci” với những du khách cho tiền khác. Anh nhìn thẳng vào người hát rong gật đầu, mỉm cười chào. Người hát rong mỉm cười gật đầu đáp trả. Nhìn nét vui vẻ của người hát rong, Phú hỏi ngay bằng tiếng Việt:

 - Anh là người Việt Nam ?
Người hát rong gật đầu, ngừng một chốc rồi lắc đầu, trả lời bằng tiếng Pháp:
 - Tôi là người Việt-nam nhưng tôi không nói được tiếng Việt.

Nói xong,người hát rong cầm hộp tiền, ôm đàn chào mọi người rồi dời đi nơi khác....Phú đi theo sau  anh ta một đoạn hầm ngắn, anh định hỏi người hát rong:"Anh không nói được tiếng Việt, nhưng ai dạy anh hát tiếng Việt quá hay ?" Vửa lúc đó người hát rong ngồi xuống nơi góc ngay một ngă rẽ của đường hầm, bắt đầu đàn rồi cất cao giọng :
  Trời đêm dần tàn, em đến sân ga tiễn người trai lính về ngàn.....

Mọi người dừng lại nghe hát. Phú cũng đứng lại nghe hát....lời ca làm anh như say, quyến luyến lạ thường, đưa anh trở về với kỹ niệm của một thời vang bóng của tuổi học đường, của hình ảnh bạn bè nơi thành phố thân yêu anh được sinh ra và lớn lên... rồi những ngày sống cuộc đời chiến đấu gian nguy, chết chóc trong quân đội....

Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa ?
Trắng đêm em chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về...

Tiếng vỗ tay của người nghe đánh thức Phú trở về thực tại. Anh góp vỗ tay cùng những nguời khác. Anh tự hỏi không biết những người nước ngoài nầy có hiểu được lời ca Việt nầy không mà họ vỗ tay rất nhiệt tình. Vì lịch-sự chăng ? Anh nghĩ chắc không phải vì lịch-sự, cứ nhìn nét mặt của họ diễn biến theo lời ca, tuy họ không hiểu lời nhưng âm điệu diễn đạt lời ca hòa cùng tiếng đàn điêu luyện của người nghệ sĩ hát rong đã đi vào nơi thâm sâu, nơi trái tim đầy xúc cảm của họ. Cái ý định theo người hát rong để hỏi một điều gì đó đến đây vẫn chưa định hình được. Phú không muốn quấy rầy người này trong giây phút thuận tiện cho cuộc mưu sinh của họ. Phú vẫy tay chào người hát rong rồi trôi theo giòng người trong hầm xe điện.

**********
 Nhận phòng khách-sạn xong, Phú điện thoại ngay cho Thuyên để báo anh đã lên đến Paris.

Anh quen biết Thuyên từ những ngày đầu tiên đến Pháp gần hai mươi lăm năm. Thuyên đến từ trại tỵ-nạn Hông-kong, anh đến từ trại tỵ-nạn Galang thuộc Indonésie.

Thuyên đến Pháp cùng vợ trước Phú vài ngày. Anh đến một mình. Anh, vợ chồng Thuyên và một số thuyền nhân tỵ-nạn khác đến từ Mã-Lai, Phi-luật-Tân,Thái-Lan được chính phủ Pháp nhận cho định cư. Trạm dừng chân đầu tiên khi họ đến Pháp đều được tiếp đón tại trung tâm Terre d'asiles ở Créteil, ngoại ô Paris, nơi lập thủ tục giấy tờ cá-nhân cũng như khám sức khỏe trước khi được phân phối định cư trên toàn nước Pháp. Anh được dưa định-cư ở thành phố Dijon, miền trung nước Pháp, Thuyên và vợ được gia đình người anh ruột đón nhận về chung sống tại Paris.

Sau khi sắp xếp giờ giấc buổi hẹn là gặp ngày thứ hai đầu tuần tới tại công ty buôn bán nhà đất do Thuyên quản lý để anh được Thuyên giới thiệu mua nhà, Anh theo lời Thuyên mời dùng cơm tối hôm đó tại nhà. Năm nay hai con của Phú đã hoàn tất đại-học và muốn sống tại Paris để tìm việc làm dễ dàng hơn nèn vợ chồng anh đã quyết định tìm mua nhà ở Paris cho hai con có cơ hội tiến thân. Việc tìm nhà theo tiêu chuẩn của gia-đình anh đã được anh nhờ Thuyên giúp. Chuyến đi Paris này do Thuyên mời anh lên xem nhà theo tiêu chuẩn đã yêu cầu.

Buổi cơm tối gia-đình diễn ra vui vẻ và ấm cúng, ngoài gồm vợ chồng Thuyên, còn có hai nguời con trai và con gái đầu lòng có mặt. Gần cuối bữa cơm Phú kể chuyện nghe người hát rong Việt Nam hát trong hành lang xe điện ngầm vào buổi chiều. Đứa con trai út của Thuyên có vẽ ngạc nhiên hỏi:
-  Bác chưa hề gặp ông nầy lần nào sao? Ở Paris nầy ai xử dụng métro thường xuyên ít nhất cũng có gặp ông ấy và nghe ông ấy hát một lần. Cháu biết ông ấy lâu rồi, từ khi cháu bắt đầu lên trung học và xử dụng métro để đi học". Ngừng một lát, cậu nói tiếp:
 -  Ít nhất là trên năm năm rồi từ khi cháu gặp ông ấy."

Con gái lớn của Thuyên xen vào:
  -  Ông ấy là giáo sư toán năm đầu tiên bậc trung học của cháu...thầy Kévin...Thẳy là người Việt Nam nhưng không nói được tiếng Việt mà lại hát được tiếng Việt. Thầy cũng hát tiêng Pháp rất hay. Thầy hay đi hát trong hầm xe điện ngầm những ngày cuối tuần và ngày lễ, hoặc cả những ngày nghỉ hè mà thầy không có chương trình đi chơi. 
- Bác có biết thầy Kévin đi hát để làm gì không?"

Phú lắc đầu. Con gái Thuyên dửng một một chút rồi nói tiếp :
 - Để có tiền giúp trẻ em mồ côi bên Việt-nam ! Thầy đã có vợ nhưng chưa có con,
Vợ thầy Kévin là giáo sư âm nhạc, dạy nhạc ở nhạc viện địa phương. hai vợ chồng thầy sống chung với cha mẹ người Pháp, dường như cha mẹ của thầy đều làm việc cho một công ty máy bay nào đó...bạn thân của cháu là em gái của vợ thầy, chúng cháu thân nhau từ nhỏ. Con nhỏ cũng sống chung một nhà với thầy Kévin, nên thỉnh thoảng cháu ghé nhà thăm bạn, đôi khi cháu gặp thầy Kévin. Bạn cháu nói thầy Kévin đi hát rong để lấy tiền giúp trẻ mồ côi bên Việt Nam nên cháu mới biết. Có dịp đi Metro, cháu ghé nghe thầy hát và góp tiền. Cháu nghe hoài thành ra gần như thuộc lòng bài hát tiêng Việt mà thầy ấy hát"

Nói đến đây con gái Thuyên đọc lên lời ca:" Tàu cũ năm xưa, mang người tình biên khu về chưa", cô ngừng vài giây rồi nói như xúc-động:
- Lời ca buồn quá phải không bác?

Phú im lặng, trả lời bằng đầu cách gật đầu. Vợ Thuyên bỗng góp lời:
- Lần đầu tiên, tình cờ tôi nghe cháu nghêu ngao mấy câu hát bài nầy, tôi ngạc-nhiên hỏi cháu ai dạy mà con biết hát, thì cháu kể đã nghe một người Việt Nam hát trong hầm xe điện, người nầy là thầy giáo cũ của cháu. Cháu lại nhờ tôi giải thích hai chữ "biên-khu" là gì ?" Một phút yên lặng rơi xuống bàn ăn...Phú góp lời:
- Ngày xưa nghe ca sĩ Thanh Thúy hát bài nầy buồn thúi ruột !"

Chuyện thầy giáo Kévin gốc Việt, không nói được ngôn ngữ Việt của mình mà hát một bản nhạc bằng tiếng Việt trong hầm xe điện ngầm để có tiền giúp trẻ mồ côi tại quê nhà ám ảnh Phú suốt buổi ăn tối hôm đó. Cái ý tưởng muốn gặp người đó để tỏ lòng mến phục một cách tự nhiên giữa hai nguời còn xa lạ làm anh suy nghĩ, nhưng anh còn ngần ngại chưa nghĩ ra phương cách thích hơp.
Và dường như đọc được ý-nghĩ của anh, con gái Thuyên đem tách trà đến mời và ngồi xuống gần anh:"
  - Bao lâu nay cháu muốn hỏi thầy Kévin, thầy hát nhạc lời Pháp, lời Mỹ và đôi khi lời Ý, nhiều tên bản nhạc khác nhau, nhưng tại sao duy nhất chỉ có một bản nhạc lời Việt; cháu thấy ngại khi muốn mở lời, cháu sợ có sự bí mật riêng tư nào đó sẽ làm tổn thương thầy. Ngày mai chúa nhật, cháu mời bác, ba mẹ cháu và hai em cháu cùng bạn trai của cháu đi uống cà phê ở Montmartre, chúng ta sẽ đi métro. Trên đường đi, chúng ta sẽ ngừng lại nghe thầy Kévin hát, cháu sẽ giới thiệu bác và ba mẹ cháu với thầy Kévin, mọi người đồng ý không ?

Phú chưa kịp trả lời thì Thuyên đã lên tiếng :
- Đồng ý ! Ba mẹ đồng ý đề nghị của con gái, ba mẹ sẽ có dịp biết anh chàng hát rong nầy. Bác Phú nên nhận đề nghị của cháu cho cháu vui"

Phú vui vẻ nhận lời. Anh vỗ nhẹ vai cô con gái Thuyên:
- Cháu mời nhưng bác trả tiền được không?".
- Không được đâu, bác có biết bên Tây nầy tội hối lộ bị phạt nặng lắm không ?".
Tất cả mọi người đều cười.

******
 Ba tháng sau Phú đưa gia-đình từ thành phố Dijon về căn nhà mới mua ở ngoại ô Paris, nhờ Thuyên môi giới và hướng dẫn thủ tục nên anh mới có được căn nhà theo ý muốn. Anh lại may mắn đuợc tiếp tục làm việc cho công ty phụ của đại công ty chính ở, Dijon chuyên về xuất nhập trái cây khô của Thổ nhĩ Kỳ. Hôm khai trương nhà mới, ngoài gia đình Thuyên, Phú còn mời vợ chồng Kévin và bà mẹ nuôi của Kevin.

Anh nhớ hôm đi uống cà-phê do con gái lớn của Thuyên mời, trên đường về, tất cả mọi người dừng chân trong góc xe điện ngầm để nghe Kévin hát. Đang hát, có lẽ nhận ra con gái và con trai của Thuyên nên Kévin mỉm cười gật đầu chào và tiếp tục hát một bài ca lời Pháp. Lời ca vừa dứt, mọi người vỗ tay, Phú và vài người tiến đến bỏ tiền vào hộp quyên gỏp.
Khi Kévin nhìn đồng hồ tay, như biết thói quen của người hát rong, con gái Thuyên tiến bên cạnh nói:
- Thầy khoan đi qua địa điểm khác hoặc nghỉ hát, hôm nay thầy phá lệ được không,?
Nói xong, con gái Thuyên quay nguời lại đưa tay chỉ về những thành viên trong gia-đình cô:

- Ba mẹ tôi lần đầu tiên muốn nghe anh hát bài ca tiếng-Việt, và người Bác tôi cũng muốn nghe lần thứ hai anh hát bài ca đó, xin anh vui lòng, nếu không có gì trở ngại ?"

Phú nghe Kévin trả lời:
- Thường tôi chỉ hát bài ca lời Việt chỉ một lần khi bắt đầu buổi hát tại một địa điểm khi mới đến. Hôm nay đã chấm dứt buổi hát trong ngày, nhưng để làm vui lòng cô học trò cũ, tôi sẽ hát".

Dứt lời, Kévin đập nhẹ vài tiếng vào thùng đàn, dạo nhạc và lên tiếng hát:
  Trời đêm dần tàn, em đến sân ga để tiễn người trai lính về ngàn...
 giọng hát khàn, đục âm điệu buồn lắng đọng trong tim. Chuyện tình của một đôi trai gái trong cuộc chiến tranh giữ nước của một giai đoạn lịch sử. Lời ca buồn, giọng ca buồn, đôi mắt và khuôn mặt buồn của người hát rong như tan ra hòa lẫn vào hơi thở và mạch máu của Phú.
Khi giọng hát và tiếng đàn ngừng, một sự yên lặng phủ trùm không gian của góc đường hầm làm Phú trở về thực tại. Anh đã đến đứng kế bên cạnh người hát rong tự bao giờ như một người mộng-du và anh đã cùng hát...cùng diễn đạt tâm tư của nhân vật trong câu chuyện tình như anh đã sống trong giai đoạn đó...

Mọi người bắt tay nhau. Lời cám ơn nhẹ nhàng đượm buồn. Từ đó, những ngày cuối tuần khi Phú trở lên Paris gặp Thuyên, anh có dịp ghẻ thăm Kévin ở hầm xe điện. Tình cảm giữa hai người trở nên quyến luyến hơn.

 Qua bữa ăn mừng nhà mới., Phú biết được một chút về gia cảnh Kévin. Khi vợ Thuyên hỏi bà mẹ Pháp của Kévin có mấy con ngoài đứa con Á Châu nầy, Bà đưa mắt hướng về phía Kévin đang đứng hút thuốc ngoài hành lang, hạ thấp giọng
  "- Vợ chồng tôi cưới nhau hơn mười năm mà không có con. Nhân một chuyến du lịch Thái Lan, chúng tôi vào thăm một cô nhi viện của một làng chài nhỏ, thấy thằng nhỏ kháu khỉnh, ông chồng tôi nhìn thấy thuơng nên xin nhận làm con nuôi.
" Người ta cho biết một tàu hàng nhỏ chuyên chở ven bờ Thái Lan đã tim thấy thằng nhỏ cùng với hơn mười trẻ khác gồm trai và gái nằm đói lã trên một chiếc tàu có quốc tịch Việt Nam trôi giạt trên biển, nên đã kéo tàu đó về làng nầy. Trên tàu không có người lớn, người ta nói có thể đoán tàu bị cướp biển tấn công nên người lớn có thể đã bị giết hay bị bắt đi. Khi lớn lên, đôi lúc cháu hỏi vợ chồng tôi về nguồn gốc cha mẹ cháu, vợ chồng tôi không biết gì hơn ngoài chuyện như tôi vừa mới kể."

******

 Mối giao tình giữa gia đình Phú và Kévin theo thời gian trở nên thân thiết. Hai con của anh và vợ chồng Kévin rất quyến luyến nhau. Mùa nghỉ hè đầu tiên từ khi quen biết, Kévin đã dành trọn hai tuần nghỉ cùng gia-đình anh đi nghỉ hè chung với nhau. Dịp nầy Phú đề nghị giúp Kévin tập hát thêm một vài bài nhạc tiếng Việt để Kévin có thể hát với những nhạc phẩm khác trong hầm xe điện nhưng bị từ chối, không giải thích lý do.

Một buổi chiều, trời đang hanh nắng chợt một cơn mưa giông ập đến. Những giọt mưa lớn rơi lộp bộp trên mái nhà trại hè, mọi người chán nản vì không đi ra ngoài tắm biển được. Mong rằng sẽ xua bớt đi sự chán nản của mọi người, Phú dùng hai tay đập vào đùi của anh theo nhịp tiếng mưa hát:
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ đến tên em
Có khi nắng kia chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đă mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên

Phú ngừng đập nhịp, ngừng hát, Kévin nhìn anh như dò hỏi, như yêu cầu Phú hát tiếp. Phú lắc đầu:
  -  Mấy chục năm rồi bác không có dịp hát chung vui với bạn bè nên bác không còn nhớ những câu chót".Khi Phú bắt đầu hát anh đã nhìn thấy khuôn mặt Kévin như bị khích động, đôi mày nhíu lại, đôi môi như mấp máy, nhịp thở như ngừng lại. Đến khi anh ngừng hát, tiếng thở dài của Kévin buông ra thật mạnh, mặt trở nên buồn, như tiếc nuối chuyện gì.  Kévin nói với anh như năn nỉ:

 -  Bác hát lần nữa cho cháu nghe, cháu nhớ cháu có nghe bài hát nầy rồi, cháu rất thích
 - Vậy thì bác hát lại cho cháu nghe nhé; bác sẽ tìm và ghi lại bài hát nầy qua máy vi-tính cho đầy đủ, hai bác cháu mình tập cho thuộc, biết đâu mai mốt, bác cháu mình sẽ cùng hát trong hầm xe điện.
 Chiều một mình qua phố......
 Gót chân đôi khi đã mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên...
 Phú vừa dứt lời ca...tai anh nghe có tiếng gõ nhịp vào thành bàn, một giọng hát nhỏ nhẹ ngập ngừng thoát ra từ chàng trai ngồi cạnh anh:
 Chiều qua bao nhiêu lần môi cười cho mình còn nhớ nhau,
 Chiều qua bao nhiêu lần tay rời nghe buồn ghé môi sầu
 Ngày nào đời còn có nhau, xin cho dài lâu.
 Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau.
Giọng ca như nghẹn lại, ngừng hẳn cùng tiếng đập nhịp vào bàn. Mọi người trong nhà ồ lên cùng lúc, cùng tiến đến bên cạnh Kévin, đưa mắt nhìn nhau ngơ ngác.

Kévin đang gục đầu xuống bàn, hai vai run rẫy. Kévin đang khóc.Tất cả mọi người yên lặng, nghe được hơi thở của nhau. Vợ Kévin ôm đầu chồng trong vòng tay, đưa mắt nhìn mọi người như hỏi chuyện gì đang xẩy ra ?

******
Cơn mưa đã tạnh, mọi người đều đi ra ngoài bãi biển để tận hưởng những tia nắng còn sót lại trong ngày. Phú đi cùng Kévin sau hàng dương cách biệt bãi tắm không xa tới một khu yên tĩnh. Phú nhớ lại chuyện vừa xẩy ra trong nhà trọ, anh ái ngại nhìn Kévin rồi nói:
- Bác xin lỗi cháu chuyện vừa rồi, bài hát đã làm xúc động cháu. Thời tuổi bác như cháu bây giờ, bài hát nầy rất phổ thông với mọi người...!

Kévin dừng bước, mời Phú cùng ngồi vào chiếc ghế dài nhìn ra biển, lấy thuốc lá ra châm lửa. Sau khi thổi một hơi khói thuốc dài, Kévin chậm rãi nói:
- Bản nhạc bác hát hôm nay làm cháu buồn và nhớ đến mẹ cháu nhiều. Cháu nhớ không rõ lắm, có một buổi sáng, mẹ cháu đánh thức cháu thật sớm, còn đang thèm ngủ cháu khóc đòi ngủ tiếp. Mẹ cháu dỗ: "con của mẹ ngoan, dậy để mẹ thay áo quần sạch sẽ, ăn chút cháo, mẹ đưa con đến nhà trẻ để mẹ đi làm nuôi con. Ở nhà trẻ con ngủ tiếp nghe." Nghe mẹ nói, nhìn thấy hai mắt mẹ đầy nước mắt, cháu nghe theo lời mẹ. Đến nhà trẻ, mẹ để cháu chờ ngoài sân, mẹ vào nói chuyện với cô giữ nhà trẻ. Không biết mẹ nói gì với cô ấy, cháu chỉ thấy cô ấy lắc đầu nhiều lần, rồi mẹ quay ra sân, mặt thật buồn, mẹ lặng lẽ nắm tay cháu dắt trở về nhà. Vừa vào nhà, mẹ cháu ngồi xuống nền nhà rồi ôm cháu vào lòng than :
- Nguoi ta nói con là con của ngụy quân, nhà trẻ không thể nhận.
Mẹ cháu thở dài nói tiếp:
 - Mẹ sẽ nói chuyện với bà Mười hàng xóm, bắt đầu ngày mai mẹ gởi con qua đó...mẹ phải đi phụ hồ cho người ta để có tiền đong gạo, mẹ hết tiền rồi;...nhà không còn gì để bán."
Rồi cả ngày hôm đó mẹ dắt cháu đi ra đường. Mẹ dẫn cháu  đi mãi, hết đường nầy qua đường khác, đến khi cháu mỏi chân, cháu khóc không chịu đi nữa, mẹ cõng cháu sau lưng, tiếp tục đi. Chiều tối, đèn hai bên đường được thắp sáng, cháu đói bụng đòi ăn,mẹ dừng chân mua bánh mì xịt nước tương cho cháu. Về đến nhà, hai mẹ con cháu  nằm dài trên giường, mẹ ôm cháu, nghe mẹ hát:

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ đến tên anh
Có khi nắng kia chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên anh
Gót chân đôi khi dã mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên

Từ đó chiều nào cũng vậy, mẹ cháu đi làm về đều có bánh mì xịt nước tương cho cháu? Ăn xong  mẹ cháu tắm rửa thay áo quần cho cháu, dẫn cháu ra đường đi lang thang cho đến tối mới dẫn cháu về nhà. Có hôm bà Mười hàng xóm đứng bên nhà bà hỏi mẹ cháu khi hai mẹ con cháu vừa về đến nhà:;" Mẹ con cô hai mấy lúc sau nầy hay đi dạo buổi chiều, về tối quá !" Cháu nghe  mẹ cháu trả lời như có gì nghẹn trong cổ:
- Dạ, đi dạo cho quên đói dì ơi, chờ cuối tháng mới lãnh tiền công mua gạo. Cháu nghe tiếng bà Mười:
- Trời đất, sao cô không nói ! Thời buổi nầy ai cũng thiếu hụt cái ăn cái mặc hết. Có ai đủ đâu. Hôm rồi, có đứa cháu dưới vườn lên, nó lén lút đem lên cho được mấy kí bo bo và mấy kí bột bắp, mai cô hai qua lấy một ít về ăn; lúc nào mua được thì trả lại tui, cô hai đừng ngại, chỗ bà con chòm xóm với nhau thương nhau không hết."

Mẹ nói:
" - Cám ơn dì Mười, rồi đi vào nhà, nằm lên giường. Cháu nghe tiếng mẹ thở dài. Cháu nằm xuống bên cạnh, mẹ ôm cháu hồi lâu, cháu nghe mẹ hát vào tai cháu âm thanh thật nhẹ như ru cháu ngủ:
Chiều qua bao nhiêu lần môi cười cho mình còn nhớ nhau.
Chiều qua bao nhiêu lần tay rời nghe buồn ghé môi sầu
Ngày nào đời còn có nhau xin cho dài lâu
Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau..
Hôm đó cháu hỏi mẹ tại sao cháu không ba, Mẹ không trả lời. Cháu đã nhiều lần hỏi trước đó nhưng chưa bao giờ nghe mẹ trả lời. Mẹ chỉ im lặng thở dài. Tưởng như bao lần trước mẹ không trả lời. Cháu ngồi dậy, tính ra khỏi giường thì mẹ kéo cháu nằm xuống. Mẹ bấm lóng tay rồi xoa đầu cháu:
"- Này, con của mẹ được bốn tuổi tám tháng… con người ta tuổi nầy thân xác đã lớn trội, còn con sao còi cụt như thế nầy… giá như có ba con thì mẹ con mình đâu đến nổi khổ."

Mẹ cầm bàn tay cháu áp lên má của mẹ nói tiếp:
"- Ba con là lính Việt Nam Cộng Hòa, làm sĩ quan Thủy quân lục chiến. Cưới mẹ xong, chỉ sống bên mẹ chưa hết phép mười lăm ngày phép thì phải đi đánh giặc ngoài Quảng-tri, cho đến nay không biết ba con chết hay sống. Thời đó chiến tranh dữ dội lắm.
Mẹ ngồi dậy lấy khăn ướt lau mặt cho cháu:
"-  Tới giờ đi ngũ rồi" Mẹ lại nằm bên cạnh cháu, mẹ hát:
  Trời đêm dần tàn, em đến sân ga để đòn người trai lính trở về....

Lời của mẹ thật êm, thật nhẹ, thật buồn ru cháu ngủ hằng đêm. Mẹ chỉ hát duy nhất một bài hát, bài
này đã đi vào trong tâm khãm cháu. Còn bài hát kia, có lời:
Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau....

" Bài ca nầy mẹ ít hát kể; từ khi mẹ đi làm về trễ, không còn thời gian để đưa cháu đi dạo bên ngoài, nên cháu quên. Nay có bác hát nên cháu mới nhớ lại...Mẹ cháu bán nhà, hai mẹ con cháu qua sống chung với dì Mười. Dì Mười sống một mình. Mẹ cháu kể:
  " - Chồng và hai con trai của dì đều chết trận, dì không còn ai thân thuộc gần gũi, chỉ có bà con xa ở dưới quê. Rồi một hôm, mẹ cháu chào dì Mười, nói đưa cháu về thăm bà ngoại. Mẹ cháu cùng cháu đi xe đò đến chiều tối, đến một nơi nào đó cháu không biết. Hai mẹ con cháu ngồi chờ trong một quán bên đường, có một người đến đưa hai mẹ con cháu xuống một chiếc ghe lớn, trên đó có rất nhiều người. Ghe chạy, mọi người ngồi sát vào nhau, không ai nói chuyện. Thỉnh thoảng mọi người được cho ăn cơm vắt và uống nước lạnh... rồi trong đêm tối, bỗng cháu nghe mọi người la  khóc, hoảng hốt, xô đẩy trong ghe, có tiếng la "cướp..... cướp", mọi người đạp lên cháu và cháu không biết gì nữa...cho đến lúc cháu được đưa vào ở trong trại mồ côi. Cháu mất mẹ từ ngày ấy."

-  Cháu có thể kể cho bác biết lý do nào cháu đi hát trong hầm xe điện để có tiền giúp trẻ em mồ côi ở Việt Nam?
 - Năm đầu tiên cháu vào đại học, cháu làm thiện nguyện cho hội chữ thập đỏ của Pháp, nhân đó theo đoàn công tác đi Viêt Nam. Một buổi sáng ăn điểm tâm tại một nhà hàng Việt Nam, cháu vừa ăn xong, thì một vài em nhỏ, các em sống ngoài đuờng, xông nhào vào dành những thức ăn còn thừa, hình ảnh đó khiến nhóm bạn của cháu lập ra tổ chức "trẻ bụi đời".Tiền chúng cháu góp lại bằng mọi hình thức khác nhau theo khả năng… làm các công việc phụ cuối tuần cho các cá nhân cần như: giữ trẻ, dạy kèm, phụ bán hàng.... riêng cháu, cháu đã chọn công việc hát rong như bác đã biết. Cháu đã chọn bài hát lời Việt vì cháu chỉ nhớ và thuộc bài nầy, vì đây là bài mẹ cháu hay ru cháu ngủ. Cháu hát để nhớ mẹ cháu… cháu nghĩ mẹ cháu còn sống ở một nơi nào đó. Biết đâu một ngày nào đó mẹ cháu đến Paris... và nghe tiếng hát của cháu trong khi  tình cờ đi xe điện ngầm...

Kévin ngừng kể. Biển ngoài xa mờ dần trong trong sương. Lòng Phú tràn ngập nỗi buồn cảm thuơng hoàn cảnh của nguời thanh niên trẻ. Phú nghe lòng anh xao xuyến… chợt hoài niệm về những ngày tháng cũ .Từ nhỏ, anh được người cậu nuôi sau khi cha mẹ anh chết trên chuyến xe đò chạy trúng mìn. Khi anh đậu xong tú tài toàn phần thì cậu anh chết vì bạo bịnh. Anh không có bà con thân thích nên ghi danh văo trường Võ bị quốc gia Đà Lạt. Ra trường, anh vào binh chủng Thủy quân lục chiến. Trong một cuộc hành quân tiếp cứu một đơn vị bạn, đơn vị anh bị phục-kích, anh bị thương phải lẫn trốn trong nhà dân, chờ được tải thương. Anh gặp Thư, chủ nhân của căn nhà.

Cuộc giao tranh hai bên vẫn khốc liệt. Hai ngày sau trực thăng cứu thương mới hạ cánh đón anh. Để bảo toàn tính mạng cho Thư, anh đề nghị toán cứu thương cho Thư rời khỏi vùng đang giao tranh, Khi vết thương của Phú ổn định, anh tìm đến trại tạm cư thăm Thư. Được biết gia đình gồm cha mẹ và hai người em của Thư đã chết bị đạn pháo kích cách đó vài tháng, anh đưa Thư về thành phố, lấy căn nhà của người cậu bỏ trống trước đây cho Thư tạm trú. Rồi tình cảm nẩy sinh giữa hai người  trong những ngày về phép gặp nhau. Không có những hẹn hò thơ mộng không có những lãng mạng của yêu đương bồng bột.Cả hai cùng cô đơn… cô đơn không gia đình. Cô đơn giữa chiến tranh, cả hai muốn san lấp nỗi cô đơn của thân phận mình. Nh và Thư bàn tính chuyện tiến đến hôn nhân... ngày nghỉ phép cưới vợ rồi cũng đến...nhưng chỉ đuợc một nửa. Chiến trường đã gọi anh về trình diện gấp gáp, lấy đi những ngày phép nghỉ phép cưới còn lại...
 Năm 1981, sau hơn năm năm bị giam, Phú được trả về từ trại tù Tiên Phước tỉnh Quảng Nam.
Nhà cũ của anh ở khu Bàn cờ Sài Gòn bị giải tỏa. Toàn khu không còn ai quen biết để tìm hỏi  tin túc vợ. Những ngày lang thang tìm vợ, tìm nơi cư trú, một người lính cũ cùng đại đội tình cờ anh gặp đang làm nghề vá và sửa xe hai bánh bên lề đường, cho anh tạm trú tại nhà. Hàng ngày anh cùng người đồng đội cũ sửa xe tạm kiếm sống. Dịp may nữa lại đến với Phú, một bạn học  cũ ngày xưa từ Nha Trang vào Sài Gòn học năm cuối trung học để thi tú tài hai, nhà nghèo đã được cậu anh cho ở miễn phí, tình cờ người bạn dừng lại nhờ vá lốp xe bị xì hơi. Hai bên nhận ra nhau, vui mừng bỡ ngỡ. Người bạn rủ anh về Nha Trang làm cho hợp tác xã đánh cá gia đình, đã ..tạo dịp cho anh và gia đình người bạn vượt biển không lâu sau đó.
Khi ghe dần dần xa bờ biển  Việt Nam, Phú bùi ngùi nghĩ đến đến người vợ trẻ vừa mới cưới nhau đã xa nhau. Phú đã  cố công sức tìm kiếm Thư nhưng Thư vẫn biệt tăm. Thư đã chết hay Thư vẫn còn sống một nơi trên quê hương Việt Nam hay một đất nước xa lạ nào đó. Anh thầm xin lỗi Thư trong niềm đau khi lập gia đình với nguời mới nơi quê người.
Phú thẫn thờ kéo tay Kévin đi về hướng khu nhà nghỉ. Kévin còn đang nhớ về mẹ. Anh cũng đang nhớ về người vợ ngày xưa. Mỗi trái tim mang một niềm đau riêng!
***********
Hai năm sau.

Sau một thời gian dài điều trị chứng suy tim, nhân mùa nghỉ hè, Phú được các con tổ chức đi nghỉ bên Thái Lan. Dịp nầy Kévin muốn cùng đi chung. Trước khi chết, bà mẹ nuôi nhiều lần đề nghi Kévin khi có điều kiện nên đến Thái Lan thăm trại mồ côi ngày xưa. Bà có để lại một số tiền nhỏ để giúp trại mồ côi nầy,

Khách sạn nằm ẩn mình sau một làng chài nhỏ có nhà cửa khang trang dược xây lên trong một vịnh nhỏ nằm tận cùng phía Tây nam vịnh Thái Lan. Một buổi chiều, như thường lệ, sau bửa cơm, Kévin cùng vợ ra ngồi ngoài bãi cát trước khách sạn, Kévin vừa đánh đàn, vừa hát:
Trời đêm dần tàn em đến sân ga để tiển người trai lính về ngàn.
Cầm chắc đôi tay, ghi vào đời tâm tư ngày nay.....

Kévin say sưa hát, âm thanh tan theo trong ánh sáng cuối ngày đang chìm dần ngoài biển xa. Kévin ru hồn trong cơn buồn ngủ chợt đến...anh như thấy mình đang cùng mẹ lang thang trên những con đường thuở ấu thời...anh mơ thấy mẹ ôm trong lòng để ru anh ngủ khi tay còn cầm miếng bánh mì khô cứng loang lỗ nước tương đen chưa ăn hết...anh nghe có giọng hát từ đâu đó vang lên như hơi thở, chuyền tải hơi ấm ôm phủ lấy cơ thể anh trong con gió biển se lạnh ...

Anh choàng tỉnh, tiếng hát đàn bà từ đâu đó vẫn văng vẳng vang lên:
Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa ?
Trắng đêm em chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về
Rồi tiếng hát bỗng chuyển lời:
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên anh
Gót chân đôi khi đã mềm, gọi buồn cho mình nhớ tên......
Giọng hát thật là quen thuộc. Lời ca thật là quen thuộc. Cả hai đều xoáy vào tâm thức anh.

Theo bản năng của con thú lạc mẹ, lạc bầy, anh chạy về hướng phát ra âm thanh quen thuộc đó. Kévin đi nhanh theo hướng về xóm ghe và tiếng hát càng rõ thêm. Vợ anh chạy theo sau, đầy vẻ ngạc nhiên. Phú đang ở trong hàng hiên khách sạn, anh cũng đã nghe tiêng hát Việt Nam, giong nữ vọng lên từ xóm ghe, anh càng ngạc nhiên vì giữa một khu ghe thuyền trên xứ Thái lại có một giọng ca Viêt. Tình cảm thiêng liêng dân tộc cùng lòng tò mò khích động, anh cũng đi nhanh về hướng có tiếng hát phát ra.

Ánh sáng của buổi chiều tàn đủ rọi lên trên mũi của một chiếc ghe lớn, một người đàn bà ngồi ôm một đứa nhỏ vừa ru vừa hát, xung quanh có vài đứa nhỏ khác ngồi đứng rải rác trên mui ghe. Người đàn bà chợt ngừng hát vì thấy có người đứng trên bờ nhìn chăm chú vào ghe bà. Bà đi vào phía trong ghe rồi trở ra cùng với một người đàn ông trẻ, đứa bé không còn bồng trên tay. Đèn trên ghe được thắp sáng. Người đàn ông trẻ vẻ do dự một chút rồi hướng về phìa Phú và vợ chồng Kévin nói gì đó bằng tiếng Thái. Cả ba lắc đầu không hiểu. Người đàn ông trẻ hỏi rất chậm bàng tiếng Anh:
- Mấy người muốn tìm gì trên ghe chúng tôi?
Phú trả lời:
- Chúng tôi nghe trên ghe của ông có người hát tiếng Việt rất hay. Chúng tôi là du-khách Viêt Nam, đang ở khách sạn gần đây, tò mò muốn biết sao người Thái-lan mà hát tiếng Việt hay quá chừng, chúng tôi muốn khen thôi".
Người đàn ông trẻ và người đàn bà nói gì với nhau, rồi người đàn ông nói vọng xuống:"
-  Mẹ tôi là người Viêt Nam".
Người đàn bà tiếp lời bằng tiếng Việt:
- Vậy xin mời ba người lên ghe uống nước".
Người đàn ông trẻ đẩy tấm ván từ ghe lên bờ làm cầu. Người đàn bà mặc y phục Thái cúi chào Phú và vợ chồng Kévin. Phú chào người đàn bà rồi tự giới thiệu:

- Tôi là Phú đến từ nước Pháp. Đây là Kévin đồng hương, lớn lên tại Pháp nên quên tiếng Việt, còn đây là vợ của Kévin..

Vừa nghe dứt lời giới thiệu, người đàn bà lùi lại một bước, chăm chăm nhìn Phú...cái tên "Phú" đánh thúc vùng tăm tối trong đầu bà bừng sáng...Phú của bà đây sao? Người trung úy Thủy quân lục chiến oai phong của bà ngày xưa, nay thân thể héo gầy như vậy sao? Nụ cười rạng rỡ thu hút người nhìn, nay nhạt nhẽo không hồn như vậy sao? Phú của bà...
 - Trời! anh Phú..anh còn sống ..trời ơi, anh còn sống, anh không nhận ra em sao?
 -  Em là Thư, vợ của anh. Giọng của Thư thổn thức, nghẹn ngào:
 - Trời cao cay nghiệt quá.. em là Thư, vợ của anh.
Phú đứng sững sờ, người đàn bà trước mặt anh toàn thân đang run rẫy, tóc bạc trắng là Thư, vợ của anh? Cái giọng nói miền Trung quê mùa chất phát khơi nhớ lại quá khứ, đúng là Thư, vợ của anh. Cả Phú và người đàn bà cùng tiến đến cùng nắm tay nhau, hai đầu tựa vào vai nhau trong một vòng tay yêu thuơng như có chút vụng về, ngượng ngập. Tiếng thổn thức vọng ra trong khoang ghe nhỏ hẹp. Rồi sự yên tĩnh trở lại.
Kévin nhích lại gần Phú, Thư nhìn Kévin qua vai Phú, một mãng tóc lộ màu trắng bằng lóng tay út thoáng hiện trên đỉnh đầu Kévin. Đây là dấu tích duy nhất của đứa con trai của Thư hơn ba mươi năm trước. Thư đẩy nhẹ Phú qua một bên, cố nén xúc động tràn ngập trong tim, bước nhanh về hướng Kévin gọi lớn:
- Cu Bi.. Cu Bi phải không?"
Hai tiếng "Cu Bi" từ bao năm đã biến đi không còn trong đầu Kévin bất chợt nay được gọi lên, được nhắc tới như làn hơi ấm thổi đến phủ cơ thể. "Cu Bi" tiếng của mẹ gọi ngày xưa. Kévin rúng động, nhìn sững nguời đàn bà không tin nỗi tai mình, miệng mở ra như đủ cho tiếng "Dạ" thầm lặng xác nhận.Thư lao mình tới ôm Kévin như sợ Kévin tan biến vào hư không.
Kévin sững sờ dang hai tay ôm lấy mẹ:
 -  Mẹ"..
 - Con của tôi"...Những tiếng nấc xé lòng thốt ra. Thư nói với Phú nghẹn ngào:
  - Anh Phú, đây là con của chúng ta.

Phú ôm Kévin trong niềm vui chen lẫn đớn đau.  Anh đã có một đứa con...qua bao năm sống gần nhau, nay mới biết là con của mình. Cảm xúc dâng tràn...Phú cảm thấy trái tim đau nhói...toàn thân anh khuỵu xuống sàn ghe.
********
Ba hôm sau, sức khỏe Phú ổn định, bác sĩ Thái cho xuất viện.Thư có đến thăm anh vài lần ở bịnh viện. Buổi chiều sau ngày xuất viện, Kévin đưa anh ra bến ghe tìm Thư, chiếc ghe không còn neo tại bến. Hai người đang tính hỏi thăm những người có ghe đang đậu ở bến để hỏi thăm chiếc ghe của Thư thì một người trong tiệm tạp hóa bước ra trao cho Phú một lá thư, nói vài câu bằng tiếng Thái rôi quay lưng đi. Phư cùng Kévin ngồi xuống bờ thềm trước quán, anh thẩn thờ mở thư ra đọc:

"Anh Phú của em và con trai Cu BI của mẹ,
Buổi sáng hôm thăm anh trước khi anh được cho xuất viện, em có gặp bác-  sĩ điều trị, Ông cho biết bịnh tim của anh tái phát vì bị xúc động mạnh, anh cần tỉnh dưỡng mới trở lại bình thường.
Em rất mừng khi được biết tin nầy, em quyết định và có thư nầy cho anh và con trai:

Anh Phú,
"Sau ngày anh cưới em một tuần anh ra mặt trận, rồi từ đó em không còn tin túc của anh. Em không biết anh chết hay sống. Rồi đất nước thay đổi chủ mới, em càng vô vọng tin tức về anh. Em đã có với anh một đứa con, tên của nó là Cu Bi. Với bao nổi khổ đau của cuộc sống bị đổi chủ, em  đã không làm nỗi cho con của chúng ta một tờ khai sanh...đồng thời em cũng mong chờ thời gian sẽ gặp lại anh và chúng ta sẽ tìm đặt cho con một cái tên mà cả hai ta cùng muốn.  Cu Bi chỉ là cái tên gọi tạm thời để khỏi lẫn lộn với những trẻ khác trong một xã hội thu hẹp. Không  tìm được anh, và để tìm cuộc sống ngày mai cho con của chúng ta nên em đã đưa con vượt biển. Định mệnh đã đưa đẩy con tàu vào tay cướp biển Thái-Lan.
Con tàu bị cướp tràn ngập...em bị cướp bắt.
"Em bị xa con. Toán cướp đưa em đến một đảo nhỏ không người ở. Vài ngày sau, toán cướp rời đảo, bọn chúng mang theo những người đàn bà khác, em bị để lại đảo. Tên cướp đã hãm hại đời em đã để lại lương thục cho em. Có lẽ nó muốn giừ em ở đây, rồi có ngày quay lại. Ngày sau một cơn bão, một tàu buôn bán nhỏ ven bỡ của Thái Lan tạt vào đảo trú ẩn. Người chủ con tàu đã cứu em. Ông là cựu binh sĩ Thái đã từng tham chiến ở Việtnam. Ông nói tiếng Anh lõm bõm cũng như em, ở mức độ chỉ có thể hiểu nhau đơn giản.  Ong kể, khi quân đội rời khỏi Việt Nam để về nước, ông xin giải ngũ, lập gia đình. Theo truyền thống gia đình, ông là thành viên trên con tàu buôn bán ven bờ vùng vịnh Thái Lan. Vợ ông qua đời vì tai nạn lưu thông chỉ sau nửa năm chung sống với ông. Ông hứa ông sẽ đưa em về Bangkok giao cho Phủ cao- ủy Tỵ nạn. Sau gần hai tháng ngược xuôi ven biển, khi con thuyền trên đường về Bangkok thì ông ngỏ lời thương em và đề nghị em chấp thuận làm vợ ông.
"Cuộc sống của em đã quá tận cùng của sự nghiệt ngã. Anh ở đâu và con ở đâu? Chiếc phao nầy em không nắm lấy thì tương lai có chiếc phao nào khác sẽ đến không? Cuộc đời em có còn gì nữa đâu, đã mất hết rồi! Thôi em nhận lời để buông theo số phận. Em xin nhận lỗi cùng anh. Em đã có với người chồng Thái,  một con trai và có bốn đứa cháu như anh đã gặp tại ghe. Người chồng Thái của em đã ra đi vì bịnh đã hơn một năm.
"Được biết anh đã có vợ, có con, có sự nghiệp.. nay lại tìm được đứa con của hai chúng ta, thật không có gì hạnh phúc cho bằng cho anh và cho em trong hiện tai. Em cảm ơn trời đất đã thưởng đền cho những khổ đau của chúng ta đã gánh chịu bao lâu nay. Cuộc sống thương hồ của em không thể đậu bến mãi. Mong anh hãy an vui trong hạnh phúc đang có và mãi mãi.

Cu Bi của mẹ,
"Từ cái đêm mẹ bị cướp bắt đi, mẹ bị mất con. Đời trôi giạt đau thương của mẹ, biết tìm con ở đâu? Đau đớn trong lòng mẹ kể sao cho xiết? Hai tiếng "Cu Bi"" và hình ảnh ngây thơ của con là dòng suối mát trong lòng mẹ mỗi lúc nhớ con trong cùng khổ. Nói làm sao cho hết yêu thương của mẹ khi nghĩ về con! Mẹ xin lỗi con vì đã không bao vệ được con lúc con lâm hoạn nạn. Con hãy tha thứ cho mẹ những tháng năm mẹ không hoàn thành trách nhiêm ở cùng bên con khi con khôn lớn, trưởng thành.
"Trời đã thương nỗi đau của mẹ nên ban cho mẹ đặc ân gặp lại con ngày nay. Con khôn lớn, hạnh phúc bên vợ và nay con lại được thêm hạnh phúc gặp lai ba con...nhớ đền ngày nào con hay hỏi mẹ "Ba con đâu?" thì bây giờ ba con đang ở bên cạnh con rồi đó! Con hãy săn sóc cho ba con thay mẹ. Mẹ cám ơn con nhiều lắm. Con bảo trọng sức khỏe.
"Trưa hôm nay thuyền buôn của mẹ sẽ rời bến theo lộ trình đã định. Nếu bão táp phong ba của biển không làm đắm con thuyền buôn của mẹ thì những tháng năm sau nầy, biết đâu mẹ con ta cũng có ngày hội ngộ?"
**********
Trước ngày rời Thái-lan, Phú và con trai đến gặp người chủ quán tạp hoa trên bến tàu gởi lá thơ nhờ chuyển lại cho Thư nếu một ngày nào đó thuyền buôn của Thư ghé bến.

Phú viết thay lời con trai:
"Đây là nhà con ở tại Pháp. Hy vọng một ngày không xa mẹ sẽ đến với con. Con trông chờ mẹ.
Con Cu Bi của mẹ".

Thời gian sau nầy, khách xử dụng xe điện ngầm trong thành phố Paris được nghe người hát rong hát bài ca lời Việt, âm điệu vẫn như cũ nhưng lời có thay đổi:
  Trời đêm dần tàn, con đến sân ga để đón mẹ yêu quý trở về.
  Tàu cũ năm nao chưa mang về trả cho tôi mẹ xưa
  Tháng năm con chờ đây, mong tàu đem người về
..................
Tháng năm con chờ đây, mong tàu đem mẹ về.

 Nguyễn Đại Thuật
 02/12/2018


CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.